Nghề điều dưỡng - những hy sinh thầm lặng

09:29 - 25/09/2023

Ở bất kỳ cơ sở y tế nào, người điều dưỡng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Điều dưỡng viên chiếm tới hơn 50% nhân lực tại các cơ sở y tế, là những người song hành, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân. Sự tận tâm phục vụ, những hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần quan trọng vào sự hồi phục toàn diện của người bệnh.

Hơn 10 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, điều dưỡng Trịnh Thị Phượng đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Niềm vui, nỗi buồn của chị gắn liền với sự thay đổi, tiến triển của từng trẻ sơ sinh.

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 2.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", chị Phượng luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc, ân cần chăm sóc các trẻ sơ sinh. Đưa một em bé sinh non, mắc bệnh lý bên bờ vực sinh tử trở về khỏe mạnh bên vòng tay cha mẹ là hạnh phúc và động lực lớn nhất của chị và các y, bác sỹ, nhân viên khoa Hồi sức Tích cực sơ sinh. Điều dưỡng Trịnh Thị Phượng, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa chia sẻ: "Được chứng kiến sự thay đổi, tiến triển tốt lên từng ngày của em bé là niềm vui mừng lớn nhất của chúng tôi. Sau một thời gian chăm sóc, những em bé được về với gia đình, chúng tôi cũng vỡ oà niềm hạnh phúc".

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 3.

Không kể ngày hay đêm, những điều dưỡng viên tại khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa như người mẹ hiền thứ 2 đối với những em bé mới chào đời. Tuy phải chịu thiệt thòi khi thiếu hơi ấm, sự vỗ về, ôm ấp của mẹ, nhưng các bé đã được bù đắp bằng sự nâng niu, chăm chút của những người mẹ áo blouse trắng. Những người mẹ thứ 2 đã luôn đồng hành cùng các con trong cuộc chiến sinh tồn. Điều dưỡng viên Vũ Thị Hải, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cũng chia sẻ: "Tôi đã làm được 9 năm. Tâm niệm lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", tôi luôn cố gắng hết sức, tận tình chu đáo, chăm sóc các bé như con. Mỗi em bé được giao lại cho gia đình khoẻ mạnh là nguồn động viên lớn nhất của tôi và đồng nghiệp".

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 4.

Khoa Ngoại Tổng hợp 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là nơi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng trước và sau phẫu thuật. Vì vậy, công việc của các điều dưỡng viên nơi đây vất vả muôn phần. 18 điều dưỡng chịu trách nhiệm chăm sóc toàn diện cho từ 50 đến 70 bệnh nhân không có khả năng tự sinh hoạt. Do đó, các điều dưỡng viên lúc nào cũng tất bật, miệt mài từ sáng tới tối với những công việc theo chỉ đạo của bác sỹ, đồng thời, giúp đỡ bệnh nhân từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân.

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 5.

Đối với nghề y, chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn thì việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần còn khó khăn bội phần. Tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hoá, vất vả nhất chính là những điều dưỡng làm việc tại khoa Nữ và khoa Nam. Đây là nơi điều trị nội trú cho bệnh nhân tâm thần cấp tính, kích động, chống đối, có hành vi nguy hiểm. Ngoài số ít bệnh nhân tâm thần bẩm sinh, đa số bệnh nhân tại đây bị tâm thần sau khi trải qua những sang chấn nặng trong cuộc sống, cú sốc tình cảm, công việc, học hành hay bị tai nạn chấn thương, nghiện. Các bệnh nhân này phải cách ly để chăm sóc, điều trị do không còn nhận thức được bản thân, hay hoang tưởng, ảo giác và không làm chủ được hành vi khi phát bệnh. Đối với các bệnh nhân này, điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện. 

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 6.

Bà Phạm Thị Lợi ở xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thuỷ, có con đang điều trị tại khoa cho biết: "Từ năm 2020 con tôi bị tâm thần, nó chửi bới, đạp phá, đốt quần áo liên tục. Từ khi cháu vào đây được các bác sỹ, điều dưỡng viên chăm sóc điều trị tận tình, ân cần, đến nay con tôi đã ổn định hơn, không còn đập phá và đã nói chuyện". Điều dưỡng Trần Thị Lý, làm việc tại khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hoá cũng chia sẻ: "Tôi làm việc ở đây được 11 năm. Không ít lần nhiều lần bị bệnh nhân đánh. Rồi nhiều bệnh nhân kích động chống đối không ăn, không uống thuốc… Vất vả lắm nhưng rồi chúng tôi luôn cố tìm hiểu, gần gũi với bệnh nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm bệnh nhân".

Làm nghề điều dưỡng, ngoài trình độ chuyên môn thì cần phải lắng nghe, nắm bắt những tâm tư tình cảm cũng như bệnh tình của bệnh nhân, bởi không người bệnh nào giống người bệnh nào. Mỗi người bệnh có tính cách khác nhau, tâm lý bị ảnh hưởng khi mang trong mình những căn bệnh ngoài ý muốn. Như vậy để gần gũi và thấu hiểu tâm lý của người bệnh, biết được những điều họ muốn là điều không dễ dàng.

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 7.

Ngoài những công việc hàng ngày như: theo dõi, thực hiện y lệnh của bác sỹ, ghi hồ sơ bệnh án…, điều dưỡng phải dành thời gian thăm hỏi, an ủi gia đình bệnh nhân cũng như bệnh nhân yên tâm điều trị để sớm phục hồi sức khỏe. Họ yêu thương người bệnh như chính người thân trong gia đình của mình. Vất vả nhiều, áp lực không ít, song được nhìn thấy bệnh nhân mình chăm sóc phục hồi sức khỏe và tinh thần từng ngày chính là động lực lớn nhất giúp các điều dưỡng viên vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với nghề.

Trong thời kỳ nào, người điều dưỡng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều dưỡng là người song hành, hỗ trợ đắc lực cho bác sỹ trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân. Phía sau mỗi bác sỹ giỏi là những điều dưỡng giỏi, tận tâm, tận tuỵ với nghề, với người bệnh, bởi không có trường hợp nào bệnh nhân được cấp cứu, điều trị thành công mà thiếu vắng sự trợ giúp chuyên môn từ những người điều dưỡng. Họ chăm sóc bệnh nhân ân cần như người thân, bên cạnh động viên, khích lệ tinh thần người bệnh trong quá trình hồi phục.

Nghề điều dưỡng-Những hy sinh thầm lặng - Ảnh 8.

Nghề nào cũng phải cần phải có chữ "tâm", nghề điều dưỡng lại càng cần hơn khi hàng ngày phải chứng kiến sự đau đớn, âu lo, thậm chí là tuyệt vọng của người bệnh và người nhà bệnh nhân, phải chứng kiến nhiều cảnh đời éo le, bất hạnh, nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Bởi vậy, họ luôn tâm niệm, đã lựa chọn nghề điều dưỡng là chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi cá nhân, luôn tận tâm, tận lực chăm sóc người bệnh.

Nguồn: Chuyên mục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày 23/9/2023