Nghị quyết 18 tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp

Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã và đang được triển khai để đi vào cuộc sống. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 18 được hy vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các địa phương về lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt về tích tụ ruộng đất, mở ra cơ hội cho người dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tích tụ, tập trung đất đai là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển dần từ hình thức lao động thủ công bán cơ giới sang sản xuất công nghệ cao, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đạt yêu cầu cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của tích tụ, tập trung ruộng đất, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta việc chuyển đổi sử dụng đất, tạo diện tích lớn nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn đã được các cấp, ngành quan tâm và chỉ đạo thực hiện.

Nghị quyết 18 tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp - Ảnh 2.

Nga Sơn là huyện có tiềm năng lớn về đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2019, huyện đã rà soát, định hướng vùng sản xuất, xác định diện tích cần chuyển đổi sang mô hình trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay, toàn huyện Nga Sơn đã dồn đổi, tích tụ được hơn 500 ha đất nông nghiệp. Diện tích này được các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, huyện Nga Sơn đã ban hành một số chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, minh bạch trong công tác giao đất, thu hồi đất để thực hiện các dự án. Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra đối với đất đã giao, đã cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê; kiên quyết thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả.

Nghị quyết 18 tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Trên thực tế, việc tích tụ ruộng đất ở các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã được thực hiện và đạt nhiều kết quả to lớn. Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí và cơ chế chính sách về sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, giúp các huyện thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, nhờ dồn điền, đổi thửa, thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất bước đầu làm tăng giá trị sử dụng đất; có những mô hình thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Trang trại của gia đình anh Phạm Phú Phục ở thôn 4, xã Ngọc Liên là một ví dụ. Anh đã tích tụ 4,5 ha đất đồi, cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn mẫu, ứng dụng nông nghiệp công, nghệ để trồng cây măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Nghị quyết 18 tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp - Ảnh 4.

Tuy nhiên, trong quá trình tích tụ ruộng đất, các địa phương vẫn gặp khó khăn, do các chủ đầu tư cần nhiều đất để phát triển dự án nông nghiệp quy mô lớn, nhưng quy định về hạn điền sử dụng còn ở mức thấp. Tâm lý của người dân có đất không muốn cho thuê dài hạn, mà chỉ cho thuê thời gian ngắn từ 5 năm trở lại.

Gia đình chị Trịnh Thị Hồng ở thôn 5, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy đã thuê lại của các hộ dân khác hơn 20 ha đất để trồng mía công nghệ cao. Mong muốn tích tụ được diện tích lớn hơn để tăng quy mô sản xuất, nhưng gia đình chị gặp trở ngại do giá đất thuê lại khá cao, từ 700.000 đến 800.000 đồng/1 sào/1 năm. Để có thêm đất canh tác, vợ chồng chị phải tự thỏa thuận với các hộ dân không có nhu cầu sản xuất, nên chưa yên tâm đầu tư lâu dài.

Đối với xã Cẩm Bình, để phát huy tiềm năng đất đai, xã đã tích tụ được hơn 100 ha và đang đẩy mạnh việc tập trung đất nhằm phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh quy mô lớn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng có những khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Nghị quyết 18 tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp - Ảnh 5.

Nghị quyết 18 về quản lý và sử dụng đất đai mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành đã mở rộng đối tượng cũng như hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi cho sản xuất lớn, tháo gỡ khó khăn cho người dân và các địa phương. Vì vậy, nắm bắt cơ hội này, nhiều địa phương đã sẵn sàng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tích tụ ruộng đất, tập trung sự chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền huyện, xã trong việc thực hiện tốt thống kê đất đai hàng năm theo quy định của luật đất đai. Các địa phương đang tập trung cao độ giải phóng mặt bằng để hoàn thành kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời làm tốt công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, khảo sát khoanh vùng định hướng cho các chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.

Nghị quyết 18 tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp - Ảnh 6.

Nghị quyết 18 sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: tháo gỡ khó khăn "hạn mức" giao đất, cho phép chuyển đổi đất từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản… Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào nông nghiệp, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.


Nguồn: Chuyên mục đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 8.9