Nghị quyết 185 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân

09:52 - 30/12/2022

Ngày 10 tháng 12 năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 185 về Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Đây là điều kiện để các địa phương tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt bố trí kinh phí trên 100 tỷ đồng thực hiện chính sách.

Trong những năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp. Việc triển khai các cơ chế, chính sách góp phần tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị. Sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển và chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa, năng suất và chất lượng không ngừng được nâng lên. Một số chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã được hình thành và phát huy hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Nghị quyết 185 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 1.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tại Kỳ họp thứ 4, Khóa 18, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về Chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Triển khai thực hiện chính sách, riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt phân bổ kinh phí hỗ trợ trên 100 tỷ đồng. Để thụ hưởng chính sách, người sản xuất phải tuân thủ các điều kiện sản xuất an toàn, được chứng nhận tiêu chuẩn từ VietGAP trở lên.

Trên thực tế, với hơn 70% dân số làm nông nghiệp và sống ở khu vực nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống người nông dân và tạo nguồn lực đầu tư phát triển nông thôn. Nông nghiệp cũng luôn là thành tố được xếp đầu tiên trong giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, để chính sách hỗ trợ tiếp tục tạo đà trong thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, ngành Nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương, tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện các điều kiện để người dân tiếp cận được với chính sách, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững trên địa bàn.

Nghị quyết 185 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 2.

Gia đình ông Phạm Văn Toàn, ở thôn Đặm Vân Giang, xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc có 3 ha luồng. Năm nay, gia đình ông được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha luồng để mua phân bón, từng bước cải tạo, phục tráng và phát triển thâm canh. Mọi năm rừng luồng không được bón phân, chất lượng cây nhỏ, sinh măng ít, nhưng nay được bón phân, chăm sóc, 1 bụi luồng sẽ cho số măng tăng gấp rưỡi, sinh khối tăng hơn. Triển khai Nghị quyết 185, trong năm 2022, huyện Ngọc Lặc có 250 ha luồng ở các xã Vân Am và Thạch Lập được hỗ trợ phân bón. Đây là điều kiện giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập từ cây trồng truyền thống này.

Xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân có vùng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 100 ha, trong đó, hơn 80% đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xã cũng đã xây dựng được sản phẩm OCOP là Cam Thành Nguyên. Tuy nhiên, những năm qua, hạn chế lớn nhất của vùng cây ăn quả này là hệ thống giao thông nội đồng xuống cấp,  chưa thuận lợi để bà con vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa, chi phí sản xuất tăng cao. Thực hiện chính sách của Nghị quyết 185 về hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ tỉnh lộ 515 đi trang trại Gò Ngô và tuyến nhánh xã Xuân Hồng đang chuẩn bị triển khai với tổng kinh phí  trên 5,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Nghị quyết 185 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 4.

Tại huyện Yên Định, gia đình ông Trịnh Đình Tư ở thôn Trịnh Xá 2, xã Yên Ninh có 3 ha trồng bưởi diễn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm cho thu hoạch từ 40-50 tấn. Đã có năm, sản phẩm của gia đình ông không thể tiêu thụ hết do mưa liên tục, giao thông không đảm bảo để xe vào lấy hàng. Tuyến đường vào khu trang trại được đầu tư, nâng cấp sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho sản phẩm nông sản địa phương này.

Theo chính sách của Nghị quyết 185, hiện huyện Yên Định có 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để giải ngân, gồm: hạ tầng giao thông Khu trang trại trồng cây ăn quả tập trung tại xã Yên Ninh và khu chăn nuôi tập trung tại xã Yên Trường. Người dân đã tích cực sản xuất an toàn, hiến đất mở đường… đảm bảo các điều kiện thụ hưởng chính sách.

Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 185, trong năm 2022, riêng với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí trên 100 tỷ đồng hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung; hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung; phát triển rừng trồng thâm canh tập trung; sản xuất cây ăn quả tập trung; ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản, khai thác thủy sản cho các tàu cá đánh bắt, hậu cần đánh bắt vùng khơi; phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nghị quyết 185 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 6.

Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 12/2022, các địa phương đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn theo quy định. Tuy nhiên, một số địa phương chưa nắm vững các quy định, điều kiện để thụ hưởng chính sách, trong khi việc hướng dẫn thủ tục của các huyện thiếu sự kết nối giữa các phòng ban. Nhất là với những dự án về  hạ tầng, một số đơn vị đang coi nặng về thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa chú trọng đến các thủ tục hành chính đã được quy định để thụ hưởng chính sách, dẫn đến hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ còn chậm.

Ông Hoàng Văn Chuyên, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính-Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thay đổi toàn diện cả về lượng và chất trong lộ trình phát triển nông nghiệp của tỉnh. Hầu hết các cơ chế, chính sách đều được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động được nguồn giống tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, địa phương đã huy động được các nguồn vốn khác để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế...

Nghị quyết 185 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 8.

 Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 185 sẽ góp phần quan trọng giúp các địa phương xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Thanh Hóa cơ bản hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, xây dựng được thương hiệu mạnh cho một số sản phẩm lợi thế.

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 29.12.2022