Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất

Mặc dù chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính sách pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn. Vì vậy, Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng được coi là cú hích quan trọng nhằm tiếp cục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhâp cao.

Đất đai là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, mỗi chủ trương mới của Đảng ta về đất đai đều mang lại những thành tựu lớn cho sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; mối quan hệ giữa vai trò quản lý nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước. Nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai còn hạn chế.

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 2.

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá, từ năm 2016 đến năm 2021, đơn vị này đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 970 đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Trong đó, 95% đơn Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do người dân chưa phân biệt được rõ quyền sử dụng và quyền sở hữu đất. Vì vậy, Nghị quyết số 18 khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai là: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý"; "Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ". Đồng thời Nghị quyết cũng khẳng định rõ: "Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 3.

Ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá

Ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Nghị quyết số 18 về tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều điều mới. Một trong những điểm mới đó là Trung ương đặc biệt quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế. Trong đó điểm quan trọng thứ nhất đó là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thứ hai là hoàn thiện thể chế có liên quan tới xác định giá đất và vấn đề thứ 3 là liên quan đến vấn đề giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện tốt nội dung này sẽ tạo ra một sự minh bạch trong trong giao đất, cho thuê đất, tránh lãng phí đất đai cũng như là tránh được cái vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất".

Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương đảng đặt ra mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết cũng xác định, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo tiết kiệm, bền vững hiệu quả cao nhất; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 4.

Về quan điểm "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 5.

Nghị quyết xác định rõ "Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật". Vì thế, thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. 

Ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương có định hướng về việc sẽ đánh thuế đối với những người có nhiều diện tích đất ở hoặc là có nhiều nhà ở. Đây là một chủ trương rất mới, đúng và trúng để chúng ta kiểm soát tốt hơn thị trường bất động sản, thị trường đất đai, tránh được việc đầu cơ cũng như thị trường ảo để đảm bảo quyền của người sử dụng đất được tốt hơn".

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 6.

Thực tiễn thời gian qua, sai phạm ở nhiều nơi có liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất nhưng không thông qua đấu giá, không công khai, minh bạch. Để đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát, tránh bị lợi dụng, Nghị quyết 18 tiếp tục khẳng định giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và đặt ra yêu cầu cần phải có quy định cụ thể, chặt chẽ về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch. Yêu cầu có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm, khắc phục tình trạng lãng phí, vi phạm về đất đai.

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 92 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Kế hoạch 92 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết dứt điểm, kịp thời tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất.

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá cho biết: "Trên cơ sở Kế hoạch 92 của Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện việc xác minh giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai đảm bảo khách quan đúng quy định của pháp luật. Xử lý ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh".

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai đến tất cả các cấp, ngành, các địa phương. Điểm mới của Nghị quyết lần này là yêu cầu quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.

Nghị quyết số 18 - Cú hích trong nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất - Ảnh 8.

Trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần phải triển khai tốt nội dung Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời, Quốc hội đặt mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Như vậy, đến năm 2030 hệ thống pháp luật về đất đai sẽ cơ bản được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.


Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống