Nghiên cứu, chọn tạo và duy trì giống cây trồng “tương xứng” với tiềm năng

20:15 - 03/03/2024

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có nhu cầu khoảng 11.000 tấn giống lúa, 1.000 tấn giống ngô, 2.000 tấn giống lạc, 300 tấn giống đậu tương... chất lượng cao. Đây chính là dư địa lớn để lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng phát triển.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 200 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và khoảng 20 đơn vị ngoài tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, có một số đơn vị vừa tham gia nghiên cứu, chọn tạo vừa sản xuất giống cây trồng, như: Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa,.. Thông qua các đơn vị, một lượng lớn giống cây đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai được chọn tạo và nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại trà. Tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, trong năm 2023 và tháng 1/2024, đã nghiên cứu, chọn tạo được 84kg hạt lai F1 của 7 tổ hợp lúa lai; chọn lọc thuần hóa được 400 cá thể, 20 dòng thuần ưu tú và thu được hạt giống của 9 dòng lúa thuần ưu tú để ứng dụng, khảo nghiệm sản xuất trong năm 2024. Ngoài ra, viện còn chọn thuần được 88 cá thể ưu tú và 6 dòng cà chua thuần ưu tú, 65 cá thể tự phối ưu tú của bí đỏ; chọn biến dị tạo vật liệu mới giống dưa chuột và các giống hoa cúc dược liệu, ngũ sắc, hướng dương.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 01/03/2024