Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

19:34 - 06/12/2022

Ngày 6/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể và cơ quan cấp tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến đến điểm cầu các xã, phường, thị trấn với hơn 33.000 cán bộ, đảng viên tham dự.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt Nghị quyết số 29 về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đánh giá tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011 – 2020), Nghị quyết số 29 xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.

Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh 2.

Nghị quyết số 29 nêu các nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững.

Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh 3.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050". Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá, gồm: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia; Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông – Tây. Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia tổ chức không gian phát triển theo 6 vùng, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu kết luận hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, khẳng định: hội nghị Trung ương 6 đã xem xét, quyết nghị nhiều nội dung rất quan trọng. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hai bài phát biểu quan trọng này, lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6.

Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh 4.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị: ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6; nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của Nhân dân; đến quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.

Ngay sau khi kết thúc hội nghị của Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6, các bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các kết luận chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị hôm nay. Qua đó giúp nắm vững thêm tình hình, quan điểm, chủ trương, các nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra trong các nghị quyết, kết luận. Từ đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; để quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết.

Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh 5.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị từng cấp ủy, từng ngành, từng địa phương căn cứ Kế hoạch số 96 ngày 01/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII và kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng thời gian quy định và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Đối với Kết luận số 45 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các ngành có liên quan nghiên cứu và có các ý kiến, tham luận tại nghị trường Quốc hội và tại các hội nghị, diễn đàn; qua đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tỉnh Thanh Hóa trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII.

Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh 6.

Về nhiệm vụ còn lại của năm 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện để quyết tâm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 một cách khách quan, thực chất với quyết tâm mới, nỗ lực mới để có những thành tích mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các ngành, các địa phương chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để Nhân dân đón tết Dương lịch và Tết nguyên đán Quý Mão 2023 với tinh thần vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và nghĩa tình; tạo khí thế thi đua sôi nổi, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2023.

Nguồn: Thời sự tối 6/12/2022