Ngôi nhà chung của các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa

22:03 - 08/12/2022

Năm 2016, khi mới thành lập, Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa chỉ có 74 hội viên, đến nay, Hiệp hội đã có 170 hội viên, chiếm hơn 59% tổng số doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu: liên kết, hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may kết nối, phát triển thị trường, Hiệp hội đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của các doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa.

Thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên hội nhập kinh tế Quốc tế là một trong những hoạt động nổi bật của Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa trong 5 năm qua. Với vai trò kết nối của Hiệp hội, nhiều hội viên đã tham gia hàng chục hội chợ thương mại trong nước và quốc tế. Từ đó, các doanh nghiệp được giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường và liên kết, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, Hiệp hội dệt may Thanh Hóa tích cực kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đầu tư, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, năng suất lao động trong ngành đã tăng lên gấp 1,84 lần so với năm 2016.

Ngôi nhà chung của các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa         - Ảnh 2.

5 năm trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dệt may Thanh Hóa đều có sự phát triển vượt bậc và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của các thành viên trong Hiệp hội mới chỉ đạt 282 triệu USD, thì dự kiến năm 2022 sẽ đạt 1,2 tỷ USD, tăng gấp 4,2 lần; doanh thu từ 31.000 tỷ đồng tăng lên hơn 80.000 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2016. Hiện sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn, đòi hỏi sự cạnh tranh cao như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngôi nhà chung của các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa         - Ảnh 3.

Với đặc thù là ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp hội viên thuộc Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa đã không ngừng tuyển dụng, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động. Hiện có khoảng gần 48.000 lao động đang làm việc tại các nhà máy với mức lương bình quân 6 triệu 500 nghìn đồng/người/tháng. Trên thực tế, nơi nào có nhà máy dệt may nơi đó người dân không chỉ được học nghề, có việc làm, đảm bảo thu nhập mà còn được làm quen với  tác phong làm việc công nghiệp và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với lợi thế về mặt bằng sản xuất, nhân công dồi dào, cùng các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp dệt may, nói chung, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dệt may Thanh Hóa, nói riêng đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển ổn định và bền vững. Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm tốt vai trò liên kết, hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2027, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của các hội viên đạt trên 2 tỷ USD, tăng trên 16% so với năm 2022.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV