Người dân xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá điêu đứng vì vỡ hụi tiền tỷ

11:24 - 28/07/2023

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo và thực tế đã có nhiều vụ vỡ hụi đã xảy ra nhưng nhiều người dân vẫn thiếu cảnh giác, tiếp tục trở thành nạn nhân của những vụ vỡ hụi. Mới đây, tại xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, một vụ hụi vừa xảy ra, khiến hàng chục người dân trắng tay.

Năm 2021, anh Nguyễn Xuân Thành, ở thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá góp hụi cho bà Nguyễn Thị Kim, cùng ở thôn Hải Phúc 1, với số tiền 130 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm sau, bà Kim tuyên bố vỡ hụi. Mất toàn bộ số tiền tích góp được, bản thân sức khoẻ đã suy giảm, 4 đứa con thì 3 đứa tật nguyền, anh Thành như gục ngã bởi tương lai mịt mù phía trước.      

Người dân xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá điêu đứng vì vỡ hụi tiền tỷ - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Xuân Thành, Thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Anh Nguyễn Xuân Thành, Thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tôi lấy bằng ngân hàng thôi, là 0,8%/ tháng. Mấy năm đầu, chị vẫn trả đều cho tôi. Đến năm 2023 chị không trả được. Đến tháng 2 đây chị bảo chị vỡ nợ rồi. Tôi mới lên hỏi, rất nhiều người lên hỏi mà không được".

Trước tháng 3/2023, bà Nguyễn Thị Kim là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Hải Phúc 1, kiêm tổ trưởng tổ vay vốn địa phương. Đây là lý do khiến không chỉ anh Thành, mà hàng chục người dân khác đều tin tưởng, uỷ thác số tiền tích góp cho bà Kim. Chỉ đến khi nghe tin bà Kim vỡ nợ, nhiều người mới biết số tiền của họ khó có thể lấy lại.

Bà Lê Thị Lĩnh, thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Bà Kim nói là chị em phụ nữ góp nhau làm giàu kinh tế. Bọn tôi biết là bà ấy lâu nay làm chi hội phụ nữ, lại còn làm cái phường. Từ năm 2019 tôi bắt đầu ăn. Mỗi tháng gom góp vài triệu. Giờ tôi bên đó còn 3 cái phường, tổng của tôi là 129 triệu. Nhưng tôi đến tôi lấy không được".

Mặc dù đã có quy định của pháp luật về chơi họ, hụi, phường; tuy nhiên, hiện nay, các hình thức góp vốn này đang có nhiều biến tướng. Các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc với số tiền lớn nhưng không báo cáo UBND cấp xã. Vì vậy, khi xảy ra vỡ nợ, cơ quan chức năng mới nắm được thông tin. Như trường hợp vỡ hụi nêu trên, số tiền bà Kim vay, gom hụi khoảng 7 tỷ đồng, nhưng đối tượng đã dùng khoảng 6 tỷ đồng để cho nơi khác vay lấy lãi chênh lệch. Hiện nay, số tiền này khó có khả năng thu hồi.

Người dân xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá điêu đứng vì vỡ hụi tiền tỷ - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Khi nắm được việc đó, cũng hướng dẫn với bà con phải khai báo, trình báo với cơ quan chức năng. Động viên bà con thôi cứ bình tĩnh. Chính quyền không bảo người dân mang vào gửi. Việc đó tự nguyện của các hộ. Giờ không may tình huống đó xảy ra rồi, bà con phải trình bày với cơ quan chức năng".

Chơi họ, hụi, phường là hình thức cho vay, góp vốn mang nhiều rủi ro. Do vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn. Nếu chọn hình thức chơi hụi, phường thì phải cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn chủ hụi; nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, góp vốn; vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa đề phòng rủi ro, tránh vi phạm pháp luật trong quá trình chơi hụi.

Nguồn: Bản tin TS trưa/TTV