Người giữ gìn nghề làm hương bài Yên Cát

10:33 - 28/01/2024

Chị Lê Thị Hằng ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một người trẻ tâm huyết, nỗ lực với việc giữ gìn nghề truyền thống. Bằng những đóng góp của mình, những năm qua, chị đã góp phần giúp nghề làm hương bài ở Yên Cát trở nên khởi sắc hơn.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân- quê hương của nghề làm hương truyền thống, ngay từ nhỏ, chị Lê Thị Hằng đã được chứng kiến người thân làm hương bài mỗi khi Tết đến xuân về. Tình yêu của chị với sản phẩm truyền thống của gia đình, của quê hương cứ thế lớn dần theo năm tháng.

Người giữ gìn nghề làm hương bài Yên Cát - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Hằng (áo xám đen)

Đến khi trưởng thành, chị Lê Thị Hằng nhận ra, hương bài Yên Cát dẫu có nhiều phẩm chất tốt nhưng mới chỉ được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chưa được tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng. Được bố mẹ truyền lại kinh nghiệm làm hương, chị nung nấu ý định mở cơ sở sản xuất hương truyền thống.

Ông Lê Văn Thăng, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Khi có tuổi rồi, tôi muốn truyền nghề lại cho các con, các cháu để giữ nghề truyền thống của gia đình".

Tháng 9 năm 2021, chị Lê Thị Hằng đã cùng gia đình thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - hương bài Yên Cát, huyện Như Xuân, đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất, với mục tiêu bảo tồn và khôi phục sản phẩm hương bài. Đến nay, Hợp tác xã đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm, sản xuất khoảng 9 triệu cây hương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho gần 40 lao động địa phương.

Người giữ gìn nghề làm hương bài Yên Cát - Ảnh 2.

Sản phẩm hương bài Yên Cát đã được công nhận OCOP 3 sao, có thị trường trong nước và đang hướng đến xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Tình, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - hương bài Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Chúng tôi làm phải đảm bảo được chất lượng của hương, phải đẹp, phải cẩn thận. Như vậy thì mọi người sẽ mua nhiều".

Người giữ gìn nghề làm hương bài Yên Cát - Ảnh 3.

Cây bài - nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên sản phẩm hương bài.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chị Lê Thị Hằng đã quyết định canh tác cây bài - một trong hai nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên sản phẩm hương bài. Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - hương bài Yên Cát, huyện Như Xuân đã trồng thử nghiệm thành công 5ha cây bài, dự kiến bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2025.

Người giữ gìn nghề làm hương bài Yên Cát - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - hương bài Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Chị Lê Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - hương bài Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Mong muốn lớn nhất của tôi là tạo được công ăn việc làm cho bố mẹ, người thân anh em, chòm xóm. Sau nữa là khi đưa sản phẩm hương của quê hương ra thị trường thì được chấp nhận, rất hài lòng về sản phẩm. Vì thế, tôi sẽ cố gắng, phát huy hơn nữa để bảo tồn nghề truyền thống của quê hương mình". 

Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống không chỉ phục vụ đời sống kinh tế, mà quan trọng nhất, là góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông truyền lại. Tấm lòng, nỗ lực của chị Lê Thị Hằng đã góp phần truyền cảm hứng để những người trẻ tiếp tục tham gia giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của đất nước, quê hương.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV