Người mua nhà ở xã hội không mất cơ hội vay ưu đãi

15:19 - 13/10/2021

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay việc vay mua nhà ở xã hội tại tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục vay bình thường.

Một khu nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh Hải Nguyễn

Một khu nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh Hải Nguyễn

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9.12.2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Điểm đáng chú ý là đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.

Giải thích cho việc này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Luật Nhà ở hiện nay chỉ quy định chính sách hỗ trợ bên mua, thuê nhà ở xã hội thực hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Trong khi đó, không có chính sách hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội với các tổ chức tín dụng được chỉ định. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Thông tư trên tinh thần xác định Luật Nhà ở đảm bảo phù hợp với quy phạm pháp luật.

Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, hiện nay việc mua và thuê nhà ở xã hội đã thực hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội; còn tại các tổ chức tín dụng thì do Bộ Tài chính chưa bố trí được các nguồn cấp bù nên dư nợ tại các tổ chức tín dụng chưa có.

“Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ liên quan để sửa đổi phù hợp với Luật Nhà ở và trong năm tới sẽ sửa đổi luật này. Như vậy, có thể khẳng định lại là không có việc người mua nhà mất quyền lợi. Việc vay, mua nhà ở xã hội tại tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục vay bình thường”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Vị này cho biết thêm, chỉ có tới đây phải sửa đổi Luật cho phù hợp, lúc đó trình Chính phủ ban hành Nghị định đảm bảo quy trình theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xác định nguồn đặc thù các tổ chức tín dụng tham gia vào việc này.

“Như vậy, có thể khẳng định không có chuyện người mua nhà ở xã hội bị mất quyền lợi do thông tư mới, mà việc vay mua nhà ở xã hội vẫn được diễn ra tại Ngân hàng Chính sách Xã hội”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó, khi góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm, quá ít.

Trong khi đó, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất.

Về thời hạn cho vay ưu đãi, trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm; giai đoạn 2015-2020 tối đa là 15 năm. Và mới đây, Nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Ông Châu cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.  

CAO NGUYÊN/báo lao động