Nhà Lê sơ với những dấu tích vàng son trên đất Thanh Hóa

15:49 - 16/09/2022

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi lên ngôi vua, mở ra Vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm, trong đó, giai đoạn đầu - Thời Lê Sơ - trải qua 100 năm với 10 đời vua, từ năm 1428 đến năm 1527, được xem là thời kỳ thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trên đất Thanh Hóa, nơi khởi dựng sự nghiệp, nhà Lê Sơ đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc, đền đài, lăng tẩm ... Ngày nay, nhiều di tích vẫn còn tồn tại, ghi dấu vàng son một thuở, là nơi hậu thế tri ân công đức các bậc tiền nhân đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Năm 1430, sau khi lên ngôi, để tri ân tiên tổ, tôn vinh nơi khởi thủy đại nghiệp, đức vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh, hay còn gọi là Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội. Năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà, thi hài đức vua được đưa về an táng ở Lam Kinh. Các điện miếu cũng bắt đầu được xây dựng, và từ đây, Lam Kinh trở thành nơi an nghỉ của các vua và thái hoàng, thái hậu sau khi qua đời. Hệ thống lăng, miếu và bia ở Lam Kinh là những công trình kiến trúc giản dị, gần gũi song cũng rất tôn nghiêm. 

Nhà Lê sơ với những dấu tích vàng son trên đất Thanh Hóa - Ảnh 2.

Hiện nay, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều công trình được phục dựng, tu bổ, dần tái hiện phần nào diện mạo kinh đô thứ hai của một triều đại huy hoàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa cho biết: "Chính điện Lam Kinh là trung tâm hành lễ của nhà Lê. Bên trong thờ những người khai sáng nhà Lê. Mỗi lần ở đây hành lễ, vào trong này chỉ có vua và quan lớn của triều đình mới được vào. Mỗi lần vua về, phần lễ làm theo nghi lễ cung đình, phần hội thì có múa chư hầu lai triều, Bình Ngô phá trận, có dáng dấp như trò Tú Huần bây giờ".

Nhà Lê sơ với những dấu tích vàng son trên đất Thanh Hóa - Ảnh 3.

Cách khu di tích Lam Kinh khoảmg 5 km về phía Tây, đền Tép, thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc là nơi thờ Trung Túc Vương Lê Lai - một bậc Đệ nhất công thần của nhà Lê. Trong một lần nghĩa quân Lam Sơn bị quân thù vây hãm, Lê Lai đóng giả Lê Lợi "Liều mình cứu chúa", hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ soái của cuộc khởi nghĩa, bảo toàn lực lượng cho nghĩa quân. Ghi nhớ công ơn Lê Lai, Lê Lợi cho lập đền thờ ở làng Tép quê hương ông, lệnh cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, vì thế dân gian có câu "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".

Cùng với Di tích lịch sử Lam Kinh, Thái miếu, hay Đền nhà Lê ở làng Kiều Đại, nay là Quảng Xá, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa cũng đã trở thành nơi thờ tự từ thời Lê Sơ đến Lê Trung Hưng. Theo sử sách, Thái miếu đầu tiên của nhà Hậu Lê được xây dựng ở Cố đô Lam Kinh, Thọ Xuân. Sau khi Lam Kinh bị hỏa hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long với tên gọi Hoằng Đức. Năm 1805, vua Gia Long đã chuyển Thái miếu nhà Hậu Lê về đất Bố Vệ. Nơi đây lưu thờ tất cả bài vị của 27 vua của nhà Hậu Lê (1418 – 1789) cùng các Hoàng thái hậu, hai bậc khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Đền Nhà Lê được dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị về nhiều phương diện.

Nhà Lê sơ với những dấu tích vàng son trên đất Thanh Hóa - Ảnh 4.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ đồng bằng đến miền núi, hệ thống di tích gắn liền với nhà Lê khá đồ sộ, khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của Vương triều Hậu Lê trong lịch sử dân tộc, là những điểm đến linh thiêng, hấp dẫn trên hành trình về nguồn của con dân đất Việt. Các thế hệ sau này cũng xây dựng nhiều công trình tâm linh thể hiện lòng kính ngưỡng, tri ân công đức nhà Lê, trở thành những biểu tượng đẹp về văn hóa, lịch sử. Mỗi di tích, mỗi điểm đến góp phần phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự cường dân tộc, để hào khí Lam Sơn tỏa sáng, trường tồn.


Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 16.9