Nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 3

09:11 - 01/03/2023

Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam; Hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội; Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động...là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023.

Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cục Xuất nhập cảnh cho biết, Hộ chiếu gắn chíp điện tử là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước. Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử. Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chíp, rất khó sao chép thông tin.

Hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023; trong đó quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động

Theo Thông tư 24/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng; Mức 2: 20.000 đồng; Mức 3: 26.000 đồng; Mức 4: 32.000 đồng. Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc như sau: Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc, thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng. Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường từ 6 - 61 triệu đồng.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2023 ngày 2/2/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023. Theo đó, người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí, và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV