Nhiều công trình cấp nước tập trung hoạt động không hiệu quả

08:06 - 05/07/2020

(TTV) - Theo số liệu khảo sát của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 519 công trình cấp nước tập trung; trong đó, có 489 công trình cấp nước tập trung tự chảy và 29 công trình cấp nước bằng động lực. Tuy nhiên, tỷ lệ các công trình cấp nước hoạt động hiệu quả bền vững chỉ có 5,6%; còn 94,4% số công trình cấp nước hiện tại đều hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động.

 

bể chứa thuộc công trình cấp nước tập trung,  bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.
Bể chứa thuộc công trình cấp nước tập trung,  bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Nằm ngay cạnh bể chứa thuộc công trình cấp nước tập trung, nhưng gia đình anh Hà Văn Tuấn, ở bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá vẫn không được sử dụng nước từ công trình này, do từ lâu đã không có nước chảy về bể chứa. Để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, gia đình anh Tuấn buộc phải lắp đường ống dẫn nước từ trên núi cao về. Quãng đường đưa nước về nhà dài gần 5km khiến gia đình anh tốn một khoản chi phí không nhỏ, nhưng nước cũng không ổn định, lúc có lúc không.

gia đình ông Lê Hồng Linh ở Bản Giàng, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá phải sử dụng nước giếng khoan
Gia đình ông Lê Hồng Linh ở Bản Giàng, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá phải sử dụng nước giếng khoan.

Tương tự, khoảng chục năm nay, gia đình ông Lê Hồng Linh ở Bản Giàng, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá phải sử dụng nước giếng khoan, vì đường ống của công trình cấp nước tập trung hư hỏng, nước hợp vệ sinh không thể về tới bể chứa. Dù biết nguồn nước đang sử dụng chưa được kiểm định an toàn, song gia đình ông Linh cũng không còn cách nào khác.

hầu hết các công trình này đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều công trình bị bỏ hoang.
Hầu hết các công trình đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều công trình bị bỏ hoang.

Đối với những hộ dân sống ở khu vực miền núi, nguồn nước hợp vệ sinh duy nhất mà họ có thể trông vào chính là từ các công trình cấp nước tập trung tự chảy. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, đến nay hầu hết các công trình này đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều công trình bị bỏ hoang. Đào giếng, khoan giếng, dẫn nước mó… đủ cách đã được người dân áp dụng, nhưng vẫn không đủ nước dùng. Cảnh người dân quẩy gánh, mang thùng đi xin nước vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình chưa được làm tốt.
Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình chưa được làm tốt.

Nguyên nhân chính khiến các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các địa phương miền núi phát huy hiệu quả kém là do công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình chưa được làm tốt. Các công trình này đều được giao cho UBND xã quản lý, nhưng UBND xã lại giao cho trưởng bản hoặc trưởng thôn quản lý, vận hành.Do người quản lý, vận hành không được đào tạo kỹ thuật, lại thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, nên các công trình nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, việc khảo sát, lựa chọn vị trí đặt công trình và kiểm tra, giám sát thi công cũng còn nhiều bất cập, khiến nhiều công trình không đảm bảo chất lượng:

Một giếng nước đượcđầu tư xã hội hóa nên rất hiệu quả.

Để giải quyết tốt vấn đề cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân khu vực miền núi, cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư; nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư. Đồng thời, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này, điều mà ở các địa phương đồng bằng đang thực hiện rất hiệu quả trong những năm gần đây./.

Bản tin Thanh Hóa ngày mới TTV