Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

21:27 - 28/02/2024

Trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Như Thanh đặt mục tiêu thành lập mới từ 200 doanh nghiệp trở lên, đồng thời đưa hoạt động của doanh nghiệp ngày càng đi vào hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đang tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, đồng hành và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương, qua đó góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.

Dự án đường Bến En đi Trung tâm thị trấn Bến Sung huyện Như Thanh có tổng chiều dài 2,8km. Đây là dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tăng cường kết nối khu du lịch Bến En với Quốc lộ 45 đường Hồ Chí Minh tạo thuận lợi thu hút lượng khách du lịch đi từ hướng đường Hồ Chí Minh vào khu du lịch Bến En, từng bước hình thành tuyến đường vành đai phía Đông thị trấn Bến Sung theo quy hoạch, chia sẻ lưu lượng giao thông với Quốc lộ 45 đoạn qua Trung tâm thị trấn Bến Sung, mở ra không gian phát triển và khai thác quỹ đất khu vực thị trấn Bến Sung, tăng cường khả năng kết nối thị trấn Bến Sung với Bến En và Am Tiên. Để dự án được triển khai theo đúng quy mô và tiến độ đã được phê duyệt, huyện Như Thanh đã tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ. Chỉ đạo nhà thầu tập trung cao nhân lực, vật lực, có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hoàn thành dự án trong năm 2025.

Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp- Ảnh 1.

Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Cường, Chỉ huy công trường, Công ty CP Xây Dựng Tiến Đạt, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Văn Cường, Chỉ huy công trường, Công ty CP Xây Dựng Tiến Đạt, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "UBND huyện Như Thanh đã tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, giải phóng mặt bằng để chúng tôi thi công đúng tiến độ. Tiến độ thi công đến thời điểm hiện nay vẫn đảm bảo tiến độ đề ra".

Sinh ra và lớn lên ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Nguyễn Danh Hoàng đã quyết định quay về quê hương lập nghiệp. Tuy nhiên, do ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, lại gặp thiên tai, việc trồng trọt, chăn nuôi kém hiệu quả. Không nản chí, năm 2017, anh quyết định làm lại từ đầu bằng cách đi tham quan và học hỏi các mô hình phát triển kinh tế mới quanh vùng, đồng thời thu thập thông tin và cách thức thực hiện mô hình qua báo đài, internet. Anh nhận thấy quê hương có lợi thế đồi rừng nên quyết định thầu 10 ha đất để làm trang trại tổng hợp. Trong đó, một phần diện tích anh giành nuôi gà ri bán chăn thả. Đến nay, trang trại của anh đã có trên 14 nghìn con gà, mỗi năm xuất bán khoảng 50.000 gà thịt với giá bán 90.000 đồng/kg.

Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp- Ảnh 3.

Đối với trồng trọt, anh Hoàng tập trung trồng các loại cây như bưởi, ổi, thanh long, hoa thiên lý.... Anh luôn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới nên các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng thực phẩm. Cùng với đó, anh Hoàng còn phát triển dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Nhờ kiên trì, nỗ lực và tinh thần ham học hỏi, Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp và dịch vụ chăn nuôi Hoàng Thủy của anh đã ra đời và có doanh thu từ 7 đến 8 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cũng cho lãi trên 500 triệu/năm và tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức lương 5 -7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Danh Hoàng, Giám Đốc Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp và dịch vụ chăn nuôi Hoàng Thủy cho biết thêm: "Mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi trồng trọt có rất nhiều lợi thế như phân gà vi sinh có thể dùng bón cho cây, cây lại làm bóng mát cho gà. Ở địa phương, mô hình này đang phát triển và giải quyết công ăn việc làm cho bà con nhân dân với mức thu nhập bình quân hàng tháng là 5-7 triệu/  người".

Nem ống lợn mán là một trong những món ăn đặc sản của huyện miền núi Như Thanh. Điều đặc biệt của món nem này là nguồn nguyên liệu tươi từ lợn mán và đựng trong ống luồng hoặc ống tre, giữ được hương vị đặc trưng, nem không bị khô. Trước đây nem lợn mán được người dân huyện Như Thanh gói để ăn vào những ngày Tết cổ truyền. Ngày nay, do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao nên món Nem ống dần trở thành sản phẩm truyền thống được ưa chuộng dành cho khách biếu tặng, đặt tiệc nên khu vực huyện Như Thanh, đặc biệt là thị trấn Bến Sung hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất nem ống, sản phẩm được gói quanh năm và phân phối khắp nơi trên cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài. Ngoài yếu tố ngon, đẹp mắt, các cơ sở sản xuất nem luôn chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời thiết kế tem nhãn, bao bì bắt mắt để phục vụ làm quà. Huyện Như Thanh cũng đã xây dựng sản phẩm nem ống là thương hiệu sản phẩm OCOP.

Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp- Ảnh 4.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ cơ sở nem Thanh Thanh, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Cơ sở sản xuất rất quan tâm và chú trọng nguyên liệu đầu vào, tuyệt đối không có phụ gia. Về khâu sản xuất, nhân viên đều được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi sản xuất chống ruồi, chống muỗi".

Xác định phát triển doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, những năm qua huyện Như Thanh đã tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện; quy hoạch, định hướng vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, huyện có nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương. Tập trung cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên gặp gỡ, phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đến nay trên địa bàn huyện Như Thanh đã có gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lô Văn Quyết, Trưởng phòng Kinh doanh, công ty TNHH sản xuất và TM Đức Huấn cho biết: "Năm 2023 là một năm khó khăn, công ty đã có những giải pháp kịp thời, duy trì phát triển ổn định. Năm 2024, công ty sẽ có những biện pháp mới nhằm phát huy nội lực, ổn định doanh thu và phục vụ khách hàng tốt nhất".

Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp- Ảnh 5.

Như Thanh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp- Ảnh 6.

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Mục tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2021-2025, trên địa bàn huyện thành lập thêm được 200 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên gần 500 doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, kêu gọi vốn, thu hút đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật".

Cùng với đội ngũ doanh nhân cả nước, doanh nhân huyện Như Thanh đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn; nhưng đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với những cách làm cụ thể và thiết thực, huyện Như Thanh đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp - Doanh nhân ngày 25/02/2024