Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn

Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi” là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh. Đây cũng là nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.

Đối với Quan Sơn, một huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 2 năm triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết XIX của Đảng bộ tỉnh, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án của tỉnh và Trung ương, đã có những bứt phá về mọi mặt. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiếu số nơi đây đã được nâng lên rõ rệt. 

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 2.

Quan Sơn là huyện vùng cao biên giới có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cũng là địa phương hay gánh chịu nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và kết hợp nguồn lực sẵn có của địa phương, những năm qua, huyện Quan Sơn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều bản làng của Quan Sơn đã thay đổi diện mạo nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, ngay sau "cơn đại hồng thủy" năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Sa Ná đã được đầu tư xây dựng một khu tái định cư để di chuyển 51 hộ dân vào nơi ở an toàn, trên diện tích 5,2 ha thuộc đồi Poom Ngồ. Khu tái định cư có đầy đủ các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, nhà văn hóa, trường học. Bằng nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, chỉ trong một thời gian ngắn, bản Sa Ná đã ổn định đời sống nhân dân, kinh tế có bước phát triển, tạo đà để tiếp tục xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 3.

Đến nay, trên 90% hộ gia đình trong bản đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", nhiều gia đình xây dựng thành công mô hình "Nhà sạch, vườn mẫu". Thu nhập bình quân của người dân đạt gần 60 triệu đồng/năm; không còn hộ nghèo; 100% đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có mô hình bảo vệ môi trường hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Đó chính là những nhân tố quan trọng, góp phần làm nên một bản nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Quan Sơn.

Ông Ngân Phúc Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cho biết: "Đảng ủy, UBND xã cũng đã có Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn do nguồn lực từ nhân dân còn ít, chúng tôi đã tích cực vận động nhân dân phát triển sản xuất, với sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Cùng với đó là công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 80% các tiêu chí nông thôn mới. Với bản Sa Ná, bà con tiếp tục phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi".

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 4.

Trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với định hướng Nghị quyết các cấp ủy Đảng đề ra, huyện Quan Sơn đã xây dựng chương trình hành động phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. 

Tam Lư là xã đầu tiên của huyện Quan Sơn, cũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ngay từ giai đoạn đầu thực hiện chương trình, Đảng bộ xã Tam Lư đã xác định phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã trên 90 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của nhân dân và cộng đồng gần 38 tỷ đồng, chiếm 42%. Nhiều mô hình kinh tế như: chế biến lâm sản, trồng cây vầu giống và sản xuất các sản phẩm từ vầu, phát triển gia trại… được người dân mạnh dạn thực hiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,1%, vượt mục tiêu đề ra. 

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 5.

Tính đến tháng 9/2022, toàn xã đã có 12 cơ sở chế biến luồng, nứa, vầu, giúp hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã "thổi một luồng gió mới" làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tam Lư. Những tuyến đường bê tông hóa, các khu dân cư được quy hoạch, chỉnh trang, đời sống của người dân được nâng cao, các bản làng dần thay đổi về mọi mặt.

Anh Lò Văn Huyến, Phó chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn phấn khởi cho biết: "Cuộc sống bà con ổn định, giao thông liên bản, liên thôn thuận tiện, kênh mương thủy lợi tưới tiêu cho đồng ruộng đã có đủ nước. Theo đánh giá hiện tại nếu theo tiêu chí mới đạt hơn 33 triệu/1 năm".

Thời gian qua, nhiều đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Quan Sơn. Đầu năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án mở ra hướng đi cho Quan Sơn là phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, giảm nghèo bền vững. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái được triển khai mạnh mẽ. Điển hình là mô hình lúa J02 theo hướng hữu cơ được nhân rộng trên địa bàn, trong đó tập trung tại một số xã như Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Điện… tạo động lực để Quan Sơn phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, an toàn.

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 6.

Hiệu quả của một số mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cho thấy chuyển biến nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp bền vững; qua đó góp phần giảm nghèo nhanh, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn. Bà Lương Thị Tiến, Bản Chiềng, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn cho biết: "Bản Chiềng chúng tôi đã trồng gạo Nhật J02 đã được sang vụ thứ 2 và đến nay đã có hiệu quả, năng suất cao. Kể từ khi trồng giống lứa này thì năng suất cũng tăng hơn nhiều so với trước kia mà chúng tôi đã trồng".

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Quan Sơn đã dành mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện là 487,545 tỷ đồng, trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới 55,5 tỷ đồng với 13 công trình; chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 98,753 tỷ đồng với 9 công trình được phân bổ theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; và 88,7 tỷ đồng từ Đề án sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 4845 của UBND tỉnh với 11 khu tái định cư mới.

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 7.

Có được kết quả trên, huyện Quan Sơn đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó dành nguồn vốn ngân sách Trung ương, của tỉnh cũng như vốn huy động khác để xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, công trình an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cũng cho biết: "Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện quyết tâm triển khai rất mạnh mẽ các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh đến bà con Nhân dân nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chất lượng công trình ngày một nâng cao. Trong thời gian tới huyện sẽ tăng cường các giải pháp như sau: tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết đến bà con Nhân dân bằng nhiều hình thức, rà soát công trình theo thứ tự ưu tiên đầu tư trước. Là huyện nghèo biên giới nên nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, huyện cũng đề nghị trung ương, tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư cho huyện để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Huyện sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư bằng cách lựa chọn những nhà thầu có uy tín, đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công".

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội trên địa bàn huyện Quan Sơn cũng có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, đối ngoại được tăng cường.

Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Quan Sơn - Ảnh 8.

9 tháng năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nhưng các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Quan Sơn đều phát triển ổn định, một số chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất 9 tháng ước đạt 1.605 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; đạt 72,8% kế hoạch. Công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh. Huyện tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị đăng ký xây dựng các danh hiệu văn hóa theo định kỳ, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Toàn huyện duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Khắc phục những khó khăn, thách thức, huyện Quan Sơn đã và đang phát huy tốt nội lực để tiếp tục xây dựng Nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, sớm trở thành huyện khá của khu vực miền núi tỉnh Thanh.


Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 13.10