Những chuyến đi khơi nguồn sáng tạo

Những chuyến đi thực tế sáng tác là hoạt động ý nghĩa và thiết thực giúp các văn nghệ sĩ làm dày thêm chất liệu cho hành trình sáng tạo nghệ thuật, từ đó cho ra đời những tác phẩm mới thấm đẫm hơi thở thời đại, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ... Với Văn học nghệ thuật Xứ Thanh, hoạt động thực tế sáng tác luôn được quan tâm, chú trọng, từ cấp hội, các ban chuyên ngành cho đến từng cá nhân văn nghệ sĩ.

Trong những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa thường xuyên tổ chức cho 11 ban chuyên ngành đi thực tế sáng tác. Giai đoạn 2017 - 2022, hội tổ chức gần 70 chuyến đi đến các địa phương trong và ngoài tỉnh. Kết quả có gần 500 tác phẩm thơ, ký, truyện, tranh, ảnh, nhạc được sáng tác và đăng tải, quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và địa phương. Cùng với đó, hội cũng quan tâm, chú trọng đến việc tổ chức trại sáng tác, để các hội viên được bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm và được gần gũi với cơ sở, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, tiếng nói của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa chính thức được Bộ Văn hóa cấp phép hoạt động thường xuyên từ năm 1994, dù thực tế trước đó 20 năm (1974) nó đã có mặt trong đời sống văn nghệ tỉnh nhà dưới hình thức Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa và xa hơn nữa là hành trình của các tập san Người bạn văn hóa, Bạn đường, Hành trình… 

Những chuyến đi khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 2.

Trải qua nhiều thăng trầm, vượt muôn ngàn khó khăn, thiếu thốn, bằng tâm huyết, nhiệt tình vô bờ bến, các thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên cùng sự quý mến, tin tưởng góp sức từ các cộng tác viên trong và ngoài tỉnh qua các thời kỳ, diện mạo tờ Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh thay đổi từng ngày, không chỉ đẹp, hiện đại trong hình thức trình bày mà còn hấp dẫn trên từng trang viết.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Trong suốt chặng đường dài gần 30 năm hình thành và phát triển, tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh luôn tổ chức những cuộc đi thực tế, điền dã để nâng cao chất lượng tạp chí, làm phong phú, mới mẻ hơn đời sống văn nghệ tỉnh Thanh Hóa, mang bản sắc văn hóa xứ Thanh đến với độc giả trong nước và nước ngoài.

Năm 2022, lần đầu tiên, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức "Trại sáng tác VHNT nâng cao chất lượng tạp chí". Đây là trại sáng tác đa lĩnh vực, hội tụ gần 30 người được lựa chọn từ các ban chuyên ngành Hội Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa, trong đông đảo đội ngũ cộng tác viên của tạp chí. Các thành viên tham dự trại sáng tác được đến tham quan và thâm nhập thực tế ở 2 huyện Bá Thước và Ngọc Lặc, những vùng đất lắng đọng chiều sâu lịch sử - văn hóa, nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch của miền Tây xứ Thanh. Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, đây là một trong những nỗ lực, thể hiện sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của ban lãnh đạo tạp chí với mong muốn lớn nhất là tạo điều kiện, khơi nguồn cảm hứng sáng tác để tìm kiếm được những tác phẩm hay, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và người, những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương.

Đầu năm 2023, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã phát động cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền" năm 2023. Cuộc thi nhằm tiếp tục tuyên truyền về đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với công tác biên giới, biển đảo. Giới thiệu vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người ở vùng biên giới, biển đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.

Với mục đích nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền 2023", trong giai đoạn 1 của cuộc thi, ban tổ chức cuộc thi ký đã tổ chức cho các tác giả tham gia chuyến đi thực tế 5 đồn biên phòng của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá tại các xã Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu, và Tén Tằn của huyện Mường Lát.

Những chuyến đi khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 5.

Trung tuần tháng 5, dưới cái nắng gay gắt nơi miền Tây xứ Thanh, ngược dòng sông Mã, từ Thành phố Thanh Hoá, chuyến xe đưa đoàn các văn nghệ sỹ đi thực tế đã lên Mường Lát, đi dọc tuyến biên giới phía Tây Thanh Hoá để tận mắt chứng kiến cuộc sống và nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng nơi đây cũng như cuộc sống của bà con các dân tộc vùng phên dậu của Tổ quốc. Đồng hành cùng các tác giả tham gia cuộc thi còn có những cây bút giàu kinh nghiệm sáng tác thể loại ký. Có thể nói, đây vừa là chuyến đi thực tế thu thập tài liệu sáng tác, vừa là hành trình học hỏi kinh nghiệm sáng tác đầy lý thú.

Trong bốn ngày đi thực tế, các văn nghệ sĩ được gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò cùng các chiến sỹ bộ đội Biên phòng, hòa mình vào đời sống của bà con Nhân dân nơi miền Tây xứ Thanh. Bằng tình cảm chân thành, sự cảm thông, thấu hiểu, các tác giả sẽ tìm hiểu và chuyển tải vào các tác phẩm ký của mình những tình cảm, gương người tốt việc tốt của cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng và Nhân dân trong việc gìn giữ chủ quyền, duy trì trật tự an ninh trong khu vực biên giới để Nhân dân yên tâm sản xuất, chung sức xây dựng nông thôn mới nơi biên cương.

Với các văn nghệ sỹ, thành quả sau mỗi chuyến thực tế là ngồn ngộn chất liệu từ cuộc sống. Nhiệm vụ của các nghệ sỹ là tiếp nhận nguồn tư liệu tươi mới ấy, sàng lọc qua lăng kính cá nhân để làm nên những tác phẩm mới mẻ, có giá trị sâu sắc của riêng mình. Đó chính là mục tiêu, ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động thực tế sáng tác, đồng thời cũng là đích đến, là trách nhiệm lớn lao nhất dành cho mỗi người cầm bút.

 

Nguồn: Chuyên mục Văn hóa văn nghệ