Những "cột mộc sống" nơi biên cương

Mặc dù phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy, nhưng trong suốt nhiều năm qua, những người có uy tín và nhân dân ở khu vực biên giới vẫn miệt mài bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Qua đó chung tay, góp sức cùng lực lượng bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Họ chính là những "cột mốc sống" nơi biên cương.

Gần 30 năm qua, ông Hà Văn Chốn, dân tộc Thái, người có uy tín ở bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn vẫn miệt mài với công việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Bản thân ông đã tích cực tuyên truyền cho người thân trong gia đình, dòng họ và dân bản cùng nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới và trách nhiệm, niềm tự hào khi được làm công việc thiêng liêng ấy.

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 1.

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 2.

Ông Hà Văn Chốn, Bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hà Văn Chốn, Bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Tôi nói, là cựu chiến binh, từng xông pha mặt trận để có được Tổ quốc trọn vẹn như ngày hôm nay. Chả nhẽ, bây giờ có Tổ quốc rồi mà không giữ lấy, tôi đã mạnh dạn tình nguyện làm nhiệm vụ với Đồn Biên phòng".

Ông Thao Văn Hơ, 57 tuổi, dân tộc Mông, người có uy tín ở bản Kéo Hượn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đã tình nguyện làm công việc bảo vệ đường biên, mốc giới từ 10 năm nay. Cột mốc số 312, nơi ông thường xuyên có mặt để chăm sóc, bảo vệ, cách đường nhựa khoảng 5 km đường núi.

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 3.

Để đến được cột mốc này, hàng tuần, ông Hơ phải vượt núi, băng rừng với rất nhiều hiểm nguy luôn rình rập.

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 4.

Ông Thao Văn Hơ, Bản Kéo Hượn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Ông Thao Văn Hơ, Bản Kéo Hượn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cái gì xấu thì bỏ đi. Tôi thường xuyên đi kiểm tra mốc giới, phát quang, dọn dẹp sạch sẽ. Đường biên, mốc giới là của chúng ta, tôi luôn chấp hành và vận động bà con chấp hành".

Thanh Hóa hiện có có 3.899 người có uy tín, trong đó có gần 1.000 người đang sinh sống ở các bản, làng khu vực biên giới của tỉnh. Thời gian qua, đội ngũ những người có uy tín và nhân dân sinh sống dọc biên giới giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào đã không quản ngại địa hình khó khăn và khí hậu khắc nghiệt tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc đường biên, mốc giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 5.

Không chỉ bảo vệ đường biên, mốc giới, những người có uy tín và nhân dân còn tham gia cùng lực lượng biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới. Họ cũng là "tai mắt" của các lực lượng vũ trang, bám nắm bắt địa bàn, sẵn sàng cung cấp những thông tin có giá trị, góp phần đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh biên giới.

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 6.

Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa

Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục để già làng, trưởng bản nâng cao nhận thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc trong tham gia bảo vệ chủ quyền, đường biên, mốc quốc giới. Để già làng, trưởng bản thấy được trách nhiệm của mình, tích cực chủ động tham gia cùng với Bộ đội biên phòng, vận động bà con, đồng bào trong bản cùng tham gia bảo vệ".

Những "cột mộc sống" nơi biên cương- Ảnh 7.

Thanh Hoá có tuyến biên giới đất liền dài 213,6 km, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), có 88 cột mốc biên giới, trên 92 vị trí mốc giới. Cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng, những năm qua, đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới đã tình nguyện bảo vệ, trông coi mốc giới, góp phần quan trọng cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên xứ Thanh.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV