Những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

19:43 - 19/02/2023

Cách đây tròn 80 năm, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức tháng 2 năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; không chỉ có ý nghĩa thời sự, cấp bách, đáp ứng nhu cầu cách mạng khi đó, mà còn trở thành kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển dài lâu của văn hóa Việt Nam.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội ở nước ta lúc bấy giờ rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc. Nhân dân ta chịu cảnh "một cổ hai tròng". Phát xít Nhật và thực dân Pháp đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn "trói buộc vǎn hoá và giết chết vǎn hoá Việt Nam" để thực hiện mưu đồ xâm lược. Đảng ta nhận định, trong lúc này, Đảng cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc nhằm chống lại văn hoá phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Ra đời trong bối cảnh đó, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cách mạng, đồng thời đặt nền móng lý luận căn bản và định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - Ảnh 2.

Đề cương xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; khẳng định cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo và để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững "ba nguyên tắc vận động", đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - Ảnh 3.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đề cương Văn hóa là văn kiện mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển, cho đến ngày nay. Với bão táp của cuộc cách mạng Khoa học kỹ thuật, sự du nhập trào lưu văn hóa quốc tế vào Việt Nam hết sức mạnh mẽ nhưng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tính dân tộc của đề cương văn hóa Việt Nam vẫn soi sáng cho sự nghiệp phát triển của dân tộc, nói như chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"".

Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc. Tinh thần chung của bản Đề cương vẫn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hóa, văn nghệ, tiếp tục soi đường, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 19/2