Những kinh nghiệm rút ra từ công tác ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4

Bão số 4 tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hóa nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn đã làm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, chia cắt, hàng nghìn ha cây trồng bị ngập úng, nhiều tuyến đường giao thông, công trình bị hư hỏng. Tuy nhiên, do chủ động trong phòng tránh, linh hoạt, sáng tạo trong ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả nên thiệt hại do hoàn lưu bão được giảm thiểu tối đa.

Ngay từ khi bão số 4 hình thành, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã liên tục ban hành các công điện chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với tình hình, diễn biến thời tiết trong từng thời điểm, trong đó luôn nhấn mạnh tinh thần chủ động, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Những kinh nghiệm rút ra từ công tác ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4 - Ảnh 1.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh, công tác ứng phó cơn bão số 4 của các địa phương, các ngành cũng đã thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và đời sống của người dân sinh sống ở những khu vực nguy hiểm, vùng bị ngập lụt, chia cắt...luôn được đặt lên hàng đầu.

Những kinh nghiệm rút ra từ công tác ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4 - Ảnh 2.

Một kinh nghiệm nữa được rút ra trong đợt mưa lũ vừa qua, đó là phải có phương án điều tiết hồ chứa và xả lũ khoa học, hợp lý, để vừa có thể đảm bảo an toàn công trình, vừa hạn chế tối đa thiệt hại cho vùng hạ du. Theo cơ quan khí tượng thủy văn, trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, có địa phương tại Thanh Hóa tổng lượng mưa đo được lên đến hơn 500mm, hàng trăm hồ chứa trên địa bàn đã đạt và vượt ngưỡng tràn, các hệ thống sông lớn như sông Yên, sông Cầu Chày và Sông Bưởi đã báo động từ cấp 1 đến cấp 3… Nếu không có phương án xả lũ hợp lý, vùng hạ du sẽ còn bị ngập lụt nặng hơn, thiệt hại sẽ lớn hơn.

Những kinh nghiệm rút ra từ công tác ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4 - Ảnh 3.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các chủ hồ bám sát quy trình vận hành và tình hình thời tiết để quyết định việc xả lũ đối với các hồ lớn, trong đó có cả việc xả nước từ trước. Nhờ vậy mặc dù lượng nước đổ về các hồ rất lớn nhưng việc xả lũ ở các hồ vẫn chủ động được và đảm bảo an toàn công trình lẫn vùng hạ du.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các đơn vị thủy nông trên địa bàn tỉnh cũng đã làm tốt nhiệm vụ tiêu thoát nước, rút ngắn tối đa thời gian cây trồng bị ngập, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù vậy, qua công tác ứng phó với cơn bão số 4 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của chính quyền cấp cơ sở và ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao. Vẫn còn trường hợp bị thiệt mạng do đi xe máy qua cầu tràn bị ngập nước. Một số diện tích lúa đã chín nhưng không thu hoạch kịp thời nên bị ngập úng, hư hỏng. Thiên tai, thời tiết luôn diễn biến khó lường. Vì vậy, nếu chủ quan, lơ là dù chỉ trong một phút, cũng có thể dẫn đến những thiệt hại không thể đong đếm được.


Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV