Những ngôi trường thiếu vắng học viên

19:55 - 30/03/2024

Được đầu tư hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thế nhưng, hiện nay, nhiều Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại khu vực miền núi Thanh Hoá gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, thường xuyên ở trong tình trạng không có học sinh theo học.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quan Sơn được thành lập từ năm 2000. Cách đây hơn 10 năm, trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất, với 3 phòng học, 1 xưởng nghề và 1 khu nhà hiệu bộ. Thế nhưng, suốt 7 năm qua, từ năm 2015-202, Trung tâm không có học viên nào.

Những ngôi trường thiếu vắng học viên- Ảnh 1.

Những ngôi trường thiếu vắng học viên- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Là giáo viên thì phải có học sinh mới vui. Trong những dịp đặc biệt, ngày lễ 20/11  không có học sinh thì giáo viên trung tâm rất buồn, những ngày đó chúng tôi tự tổ chức". 

Từ năm học 2022 - 2023 đến nay, Trung tâm thu hút được 13 học viên theo học chương trình giáo dục phổ thông, ở hai khối, khối 10 và khối 11. Để đảm bảo hoạt động theo quy định, ngoài 5 cán bộ, giáo viên biên chế, trung tâm phải ký hợp đồng thêm với 5 giáo viên từ các cơ sở giáo dục - đào tạo khác trên địa bàn huyện.

Thiếu vắng học viên, cơ sở vật chất của trung tâm thường được dành để cho các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn huyện mượn khi có nhu cầu tập huấn, đào tạo.

Những ngôi trường thiếu vắng học viên- Ảnh 3.

Những ngôi trường thiếu vắng học viên- Ảnh 4.

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Chúng tôi cũng đã chỉ đạo trung tâm thường xuyên cùng với các xã, thị trấn trên địa bàn của huyện, tuyên truyền cho học viên cùng với các phụ huynh nhận thức rõ được tầm quan trọng, cũng như ý nghĩa của việc chúng ta tham gia học nghề để tạo công ăn việc làm".

Còn tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quan Hoá, cơ sở vật chất rộng rãi, với 11 phòng học, 3 phòng thực hành nghề, khu nhà hiệu bộ cùng 10 cán bộ, giáo viên biên chế. Nhưng hiện nay, Trung tâm chỉ có 26 học viên đang theo học chương trình giáo dục phổ thông. 3 phòng thực hành nghề mới được sửa chữa từ năm 2022-2023 đến nay cũng phải đóng cửa do không có người học. Các thiết bị thực hành không được sử dụng, đành phải xếp vào kho, nằm phủ bụi.

Ông Nguyễn Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi thì có 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hiện nay, đa phần các trung tâm đều đang hoạt động cầm chừng do số lượng học viên quá ít, thậm chí có nơi không có học viên. Nhiều trung tâm phải cử cán bộ, giáo viên đến từng thôn, bản để vận động, thu hút người học, thế nhưng số lượng học viên vào học không cải thiện được là bao.

Những ngôi trường thiếu vắng học viên- Ảnh 5.

Đã đến lúc các ngành chức năng và các địa phương cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để có hướng phát triển phù hợp, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, cũng như kinh phí duy trì bộ máy của các trung tâm này.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV