Những người "vác tù và hàng tổng" ở Mường Lát

16:30 - 17/04/2024

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới, giáp với nước bạn Lào, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, cùng với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ thôn, bản trên địa bàn huyện đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, uy tín của người đảng viên, gương mẫu, đi đầu, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhanh chóng đưa Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030.

Bản Suối Tút nằm cách trung tâm xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát hơn 11km. Cả bản có 26 hộ là người Dao. Trước đây, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Suối Tút, ông Tặng Văn Lai luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông đang trồng trên 1 ha cam, kết hợp chăn nuôi gà, dê, bò, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những người "vác tù và hàng tổng" ở Mường Lát- Ảnh 1.

Từ hiệu quả của mô hình, ông Tặng Văn Lai đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả. Đến nay, cả 26 hộ dân trong bản đã trồng cây ăn quả, với tổng diện tích trên 20 ha. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, tập quán canh tác nên nhiều hộ dân trong bản đã xóa được nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ông Tặng Văn Lai, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: "Bà con Nhân dân cùng với tôi trồng cây ăn quả như cây cam. Hiện tại cây đang phát triển, bà con rất phấn khởi". Anh Tặng Văn Sinh, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cũng chia sẻ: "Trưởng bản đưa bà con đi tập huấn rất nhiều nơi, tham quan các mô hình trồng cây ăn trái và tôi cũng áp dụng để trồng để phát triển kinh tế giảm nghèo cho chính bản thân".

Ông Hà Văn Thư, dân tộc Thái, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Xim, xã Quang Chiểu là người tiên phong, gương mẫu đi đầu vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông đã cùng với Ban quản lý bản vận động Nhân dân hiến đất, huy động nguồn lực, đóng góp công sức xây dựng các công trình giao thông. Đến nay, Nhân dân trong bản đã đóng góp được trên 450 triệu đồng, 55 hộ dân tham gia hiến đất, huy động được gần 2.300 ngày công làm được gần 5 km đường giao thông trục chính và các đường nối khu dân cư.

Những người "vác tù và hàng tổng" ở Mường Lát- Ảnh 2.

Với những nỗ lực của cá nhân ông Thư cùng cán bộ, đảng viên và bà con dân bản, đến cuối năm 2023, bản Xim, bản vùng cao biên giới của xã Quang Chiểu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Hà Văn Thư, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Xim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: "Cương vị là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, tôi luôn nêu cao tinh thần vận động tuyên truyền bà con Nhân dân. Thứ nhất là vận động bà con Nhân dân góp tiền góp của, hiến đất để xây dựng bản làng; vận động bà con Nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống như đi xuất khẩu lao động nước ngoài, tham gia các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện nay diện mạo của bà con Nhân dân đã thay đổi rất rõ rệt".

Pù Nhi - xã vùng cao biên giới của huyện Mường Lát, có 15 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, 70% dân số của xã là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm trên 51%. Nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu, bám rễ trong đồng bào các dân tộc.

Những người "vác tù và hàng tổng" ở Mường Lát- Ảnh 3.

Để thay đổi tư duy sản xuất, tập quán canh tác, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò của những cán bộ thôn bản, là đảng viên, người có uy tín, gần dân, sát dân, biết tiếng đồng bào để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, không trông chờ, ỷ lại, nâng cao tinh thần tự giác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Đến nay, nhiều mô hình trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt đã được người dân áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả. Ông Chá Văn Dia, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết: "Chúng tôi ở cơ sở biết tiếng nên gần gũi, trong thì giao tiếp bà con cũng thấu hiểu, dễ dàng cho công tác tuyên truyền".

Mường Lát là huyện nghèo của cả nước, có trên 100 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, với 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, đội ngũ cán bộ thôn bản, người có uy tín luôn là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Họ là những người "vác tù và hàng tổng", không ngại khó khăn, gian khổ, bằng những việc làm cụ thể, luôn tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, động viên con cháu, đồng bào trong khu phố, thôn bản tăng cường quản lý bảo vệ rừng, tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Những người "vác tù và hàng tổng" ở Mường Lát- Ảnh 4.

Bà Lương Thị Tiến, Phó Bí thư Thường trực xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: "Bí thư Chi bộ cũng như già làng, Trường bản là cán bộ nòng cốt ở thôn bản từ tiếp thu chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về cơ sở để tuyên truyền vận động ở bà con chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới. Đối với Đảng bộ xã Quang Chiểu sẽ phấn đấu năm 2025 về đích nông thôn mới, chính vì vậy các đồng chí lãnh đạo xã, cũng như thôn bản tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân hiến đất xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn".

Đội ngũ cán bộ đảng viên, người có uy tín ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Mường Lát đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đảm bảo vùng biên, mốc giới. Họ đã tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc. Trung tá Thao Văn Đua, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết: "Bí thư, Trưởng bản ở đây rất gương mẫu, luôn đi đầu, nắm chắc tư tưởng của quần chúng Nhân dân; khi những quần chúng có tư tưởng không thông hoặc bị các đối tượng xuyên tạc thì đi đến nơi và động viên gần gũi sát sao. Đảng viên, nhất là đội viên thiếu niên, các hội tổ chức đã tuyên truyền để làm tốt tư tưởng để mọi người nhận thức được việc làm trái mà các thế lực thù địch tuyên truyền vào".

Những người "vác tù và hàng tổng" ở Mường Lát- Ảnh 5.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, người có uy tín có vai trò, vị thế rất lớn đối với bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn dân cư. Tiếng nói, hành động của họ có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho văn hoá ứng xử của cả cộng đồng nơi sinh sống. Đây là lực lượng đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo ổn định đời sống của đồng bào. Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết: "Các đồng chí luôn là những người gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, thực hiện chủ trương, về thay đổi tư tưởng không trông chờ ỷ lại. Rất nhiều hộ trên địa bàn huyện đã có nhận thức tốt, tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo và tự vươn lên, thực hiện đúng tinh thần là vươn lên bằng khả năng chính đáng của mình để làm giàu".

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Lát còn trên 38%, giảm được 18% so với năm 2021. Toàn huyện có 30 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2030, huyện Mường Lát phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo của cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu đó, ngoài sự nỗ cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì những cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở các thôn, bản có vai trò rất quan trọng trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Họ xứng đáng là những người mẫu mực được dân bản tin tưởng và làm theo.

Nguồn: Chuyên mục Đảng trong cuộc sống ngày 12/4/2024