Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản

17:20 - 13/03/2023

Lang Chánh là huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trên địa bàn huyện Lang Chánh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để hoàn thành trọng trách cao cả - chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, những cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã đã không quản ngại khó khăn vất vả, ngày đêm bám bản, bám dân, làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Trạm y tế  xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, từ sáng sớm, nhiều người dân đến khám bệnh, lấy thuốc theo định kỳ. Không chỉ các bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường, nhiều người mắc các bệnh mãn tính cũng đến khám, điều trị bệnh. Cùng với việc khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc, điều trị bệnh cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế còn tận tình tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống một số bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính và cách sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe. Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng những cán bộ, nhân viên y tế nơi đây luôn không ngừng nỗ lực, rèn luyện, trau dồi y  đức, nâng cao trình độ chuyên môn, tận tâm, tận lực với người bệnh.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 2.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 3.

Bà Hà Thị Minh, Bản Lọng, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá

Bà Hà Thị Minh, Bản Lọng, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Tôi mắc nhiều bệnh nên tháng nào cũng phải đến trạm y tế khám. Cán bộ, nhân viên y tế ở đây tận tâm, nhiệt tình lắm. Khám bệnh, chăm sóc, phát thuốc rồi tư vấn cách phòng bệnh. Ai cũng ân cần. Hôm nào ốm nặng không đến trạm được còn có nhân viên y tế đến tận nhà. Biết ơn cán bộ, nhân viên y tế ở đây lắm. Mong cho Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho trạm y tế."

Tam Văn là xã vùng cao của huyện Lang Chánh, địa bàn rộng, dân cư phân tán, có những bản cách trung tâm xã gần 10 km đường đồi núi. Đối với những bệnh nhân là người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ nhỏ ở các bản làng xa, khó khăn trong việc đi lại, cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, vất vả, đến tận hộ dân để khám bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Họ - những y bác sỹ vùng cao luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: "Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu."

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 4.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 5.

Bà Phạm Thị Tha, Bản Lọng, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá

Bà Phạm Thị Tha, Bản Lọng, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Nhà xa, cháu nhỏ ốm, neo người nên không có ai đưa đi. May quá nhờ được người nhờ cán bộ y tế đến nhà kiểm tra. Ở trên này vất vả lắm, rất may y tế nhiệt tình, hỗ trợ bà con hết mức. Đồng bào trên này cảm ơn cán bộ y tế lắm."

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 6.

Bác sỹ Nguyễn Quang Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá

Bác sỹ Nguyễn Quang Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Điều kiện kinh tế bà con khó khăn lắm, nhiều bản làng xa xôi. Thấu hiếu vất vả của bà con nên chúng tôi luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ bà con tốt nhất."

Năm 2002, y sỹ Cao Văn Công rời quê Hương Cẩm Thuỷ lên xã biên giới Yên Khương của huyện Lang Chánh công tác. Hơn 20 năm gắn bó với y tế vùng cao, ở nhiều vị trí, nhiệm vụ công tác, anh luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "thường xuyên học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ". Từ một y sỹ, anh đã nỗ lực học tập, phấn đấu trong công tác, đến nay đã trở thành bác sỹ, được điều động làm Trưởng Trạm Y tế xã Trí Nang. Trên cương vị mới, bác sĩ Cao Văn Công càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình, luôn tận tâm, cần mẫn với công việc, phân công nhiệm vụ phù hợp với điều kiện, năng lực, trình độ chuyên môn của từng cán bộ y tế tại Trạm y tế. Đặc biệt, anh đã truyền nhiệt huyết, lòng yêu nghề đến với từng nhân viên y tế. Với sự năng động trong công tác quản lý, điều hành công việc của một trạm trưởng, một bí thư chi bộ, sự tận tình của một thầy thuốc, bác sỹ Công luôn gương mẫu trong công việc và xây dựng trạm y tế hoạt động nền nếp, hiệu quả, đưa Trạm Y tế xã Trí Nang trở thành một địa chỉ tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, được Nhân dân địa phương tin yêu.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 7.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 8.

Bà Phạm Thị Thịnh, Bản En, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá

Bà Phạm Thị Thịnh, Bản En, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Tôi bị cao huyết áp, xương khớp, tháng nào cũng đi khám, lấy thuốc. Các y bác sỹ ở đây tốt lắm, chăm bệnh nhân, rất chu đáo, nhiệt tình."

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 9.

Bác sỹ Cao Văn Công, Trưởng Trạm Y tế xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá

Bác sỹ Cao Văn Công, Trưởng Trạm Y tế xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Cuộc sống khó khăn, công việc của cán bộ y tế trên này cũng vất vả lắm. Chúng tôi nhờ có tình yêu nghề, thương bà con dân bản mà cố gắng gắn bó."

Huyện Lang Chánh có 10 trạm y tế xã với tổng số 53 cán bộ, nhân viên y tế. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Bằng sự tâm huyết, yêu nghề, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên y tế đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, giúp cho chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, 100% số trạm y tế xã trên địa bàn huyện Lang Chánh có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ bản thực hiện được đầy đủ các danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sức khỏe Nhân dân và ngành y. Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên "học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ", nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức "phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân". Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về công tác y tế, thời gian qua những cán bộ, nhân viên y tế của huyện Lang Chánh đã lấy những lời dạy của Bác làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động, nỗ lực hết sức mình, thực hiện tốt việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 10.

Những y, bác sỹ lặng thầm bám dân, bám bản - Ảnh 11.

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Việc học tập Bác Hồ đã lan toả rộng khắp trên địa bàn huyện Lang Chánh. Đặc biệt những cán bộ y tế tuyến xã đã thực hiện rất tốt. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu."

Cuộc sống của những cán bộ, nhân viên y tế vùng cao nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng không ít những niềm vui. Khó khăn lớn nhất là địa bàn rộng, dân cư phân bổ rải rác, đa số lại là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe ở một số nơi còn hạn chế. Còn niềm vui lớn nhất đối với họ, đó là khi giúp được người bệnh hết cơn đau, giúp người ốm trở nên khỏe mạnh, giúp nền tảng sức khỏe của nhân dân được bảo vệ và tăng cường. Những nỗ lực âm thầm và cống hiến không biết mệt mỏi của các thầy thuốc bám dân, bám  bản đang góp phần giúp  khoảng cách y tế giữa các vùng miền được xích lại gần hơn.

Nguồn: Chuyên mục Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh