Niềm vui ở những ngôi trường mới vùng cao

10:11 - 26/12/2022

Có trường học khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ là mong muốn của các thầy cô giáo, học sinh vùng núi cao tỉnh Thanh Hoá nhiều năm qua. Mong muốn ấy đã được đáp ứng cơ bản, bởi đến năm 2022, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của toàn tỉnh đã đạt khoảng 90%. Hàng trăm phòng học tranh tre, vách nứa ở những điểm trường xa xôi đã được kiên cố hóa. Tất cả là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nguồn hỗ trợ xã hội hoá rất lớn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Năm trước, điểm trường Mầm non bản Tình, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn bị mưa lũ làm hư hỏng; chính quyền xã phải bố trí cho 50 cháu sang học nhờ tại điểm trường tiểu học, 30 cháu còn lại gửi sang các điểm trường khác. Nơi học ghép chật chội, thiếu thốn, điều kiện học tập, sinh hoạt bán trú khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cô trò khắc khoải từng ngày, mong có một ngôi trường mới tránh được mưa dột gió lùa. Mong ước đã trở thành hiện thực khi Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí 2,2 tỷ đồng xây mới điểm trường mầm non bản Tình. UBND huyện Quan Sơn cũng đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng các công trình nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, khuôn viên, nhà để xe, cổng, tường rào, mái che, sân đường nội bộ… Sau 4 tháng khởi công, điểm trường khang trang đã được dựng lên giữa bản nghèo. Hạnh phúc, hân hoan là cảm xúc của cô trò và những người dân nơi đây khi đứng chân ở ngôi trường mới.

Niềm vui ở những ngôi trường mới vùng cao - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Tiếp, Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tất cả cô trò nhà trường rất là vui mừng. Tới đây nhà trường sẽ có một khu trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi để cho các con học tập hàng ngày. Chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao và các con sẽ có được mái trường không lo mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá như trước đây nữa".

Giao thông thuận lợi nối gần các bản làng với trung tâm xã nên chúng ta đang hướng đến mục tiêu xoá bỏ các điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đối với những địa phương chưa đồng bộ hệ thống giao thông thì chưa thể thực hiện ngay việc sáp nhập các điểm lẻ vào trường chính. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở các điểm trường lẻ, việc đầu tư cơ sở vật chất là hết sức cần thiết. Ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cùng các địa phương đẩy mạnh xã hội hoá, để từng bước kiên cố hóa các điểm trường lẻ. Nhờ vậy đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã xoá bỏ được hết các trường học tranh tre, vách nứa. Hàng nghìn em nhỏ vùng cao có cơ hội được học tập trong môi trường an toàn hơn.

Niềm vui ở những ngôi trường mới vùng cao - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Thuỷ, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Rất mong các nhà hảo tâm về vùng cao, đến với những khu trường khó khăn, để giúp cho các con có một mái trường đẹp và khang trang như mái trường của Yên Thắng để trẻ có trải nghiệm và hoạt động chơi vui đầy y nghĩa".

Niềm vui ở những ngôi trường mới vùng cao - Ảnh 4.

Bà Hà Thị Tiếp, Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Bà Hà Thị Tiếp, Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Chúng tôi cảm thấy sự huy động xã hội hoá cho giáo dục là một sự cần thiết để cho các con được có môi trường học tập, vui chơi góp phần giúp cho sự phát triển y tế giáo dục tại các địa phương tốt lên, đặc biệt là các điểm lẻ".

Một mùa xuân mới đang đến gần, mang theo nhiều ước vọng. Với những cô trò vùng cao, mùa xuân này còn có thêm niềm tin về tương lai tươi sáng về sự nghiệp trồng người trên miền đất khó. Dẫu phía trước vẫn còn nhiều gian nan, song những mái trường mới này đã cho họ động lực để tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.


Nguồn: Bản tin THNM/TTV