Nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động

21:11 - 25/11/2022

Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải đối diện rất nhiều khó khăn, khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới và trong nước sụt giảm nghiêm trọng, lượng tồn kho tăng cao. Giữ ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động đang là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của các ngành, đơn vị chức năng.

Dệt may là một trong những ngành hàng đang gặp khó khăn nhất thời điểm này. Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 260 doanh nghiệp đang hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp mới ký kết đơn hàng đủ sản xuất từ 50-60% công suất trong tháng 12. Đơn hàng của năm 2023 hầu như chưa có. Các thị trường truyền thống như Mỹ, EU đều cắt giảm đơn hàng, nên các doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm, hoặc chấp nhận đơn hàng giá thấp nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp nỗ lực tìm đơn hàng ở các thị trường mới, tìm cơ hội ở thị trường trong nước. 

Nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 2.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong Hiệp hội chúng tôi cũng hết sức cố gắng thứ nhất tìm đơn hàng nội địa, đi may bảo hộ cho các doanh nghiệp, thứ 2 mua vải bán may quần áo trong nước, phương châm là giữ người lao động vì có giữ được người lao động khi thị trường quay lại mới có phương tiện mà làm".

Không chỉ trong lĩnh vực dệt may, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt đơn hàng, buộc phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Qua tổng hợp của các cấp công đoàn, đến nay đã có 23 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện giảm giờ làm, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Đã có hơn 7.200 người bị ảnh hưởng, trong đó có gần 2.000 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, tập trung ở các nhóm ngành như may mặc, giày da, gang thép, xi măng, chế biến gỗ và lâm sản, bao bì…

Nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 3.

Theo dự báo, tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn còn phải đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng. Các doanh nghiệp đều cố gắng tìm giải pháp duy trì sản xuất, khai khác thêm đơn hàng, giãn - giảm giờ làm, với quyết tâm giữ ổn định nhân sự, đón đầu khi thị trường phục hồi trở lại. Ông Hồ Văn Trung, Giám đốc nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương cho biết: "dự kiến tháng tới đơn hàng có sụt giảm 20 đến 30% so với đầu năm, phía công ty Đại Dương đang cố hết sức để có đơn hàng, hiện nay công ty cũng có phương án lưu trữ tồn kho để đảm bảo việc làm cuối năm".

Nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 4.

Các ngành chức năng cũng đang theo dõi sát diễn biến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, có những giải pháp hỗ trợ nhằm ổn định tình hình sản xuất; đồng thời động viên, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.

Ông Hoàng Tất Thành, Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay trong Khu Kinh tế Nghi sơn có đơn vị đã phải cắt giảm hàng nghìn lao động, trước thực tế khó khăn như vậy, thời gian tới Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, tham mưu cho tỉnh biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp làm sao ổn định đời sống cho người lao động, nhất là trong giai đoạn Tết Nguyên đán". 

Nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Chúng tôi phối hợp với chủ sử dụng lao động xây dựng giải pháp về việc làm với người lao động, thứ 2 giám sát việc thực thi chế độ chính sách với người lao động trong quá trình thực hiện tinh giản lao động, thứ 3, đang chỉ đạo các cấp công đoàn rà soát toàn bộ lao động bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán này".

Ôn định sản xuất, giữ việc làm cho người lao động luôn là một bài toán khó, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều biến động. Các ngành, đơn vị đều đang nỗ lực hết sức để ổn định sản xuất và hỗ trợ người lao động. Trong lúc này, các doanh nghiệp cũng rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ từ phía người lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

 

Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 25.11