Nơi “đầu sóng ngọn gió” ở các bệnh viện

11:10 - 18/08/2023

Người ta thường ví công việc cấp cứu - hồi sức tích cực cho bệnh nhân là nơi “đầu sóng ngọn gió” của một bệnh viện. Nơi mà cường độ làm việc luôn gấp gáp, khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những ca bệnh nặng “thập tử nhất sinh”. Nơi đây, không có khái niệm ngày và đêm, không có khái niệm về lễ, tết… Áp lực, vất vả là vậy nhưng những y, bác sỹ vẫn luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực hết mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Trung tâm Cấp cứu và Hồi sức tích cực ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, 23 giờ đêm … không khí làm việc vẫn tất bật, khẩn trương và căng thẳng.

Một bệnh nhân tai nạn giao thông đa chấn thương với nhiều tổn thương phức tạp, hôn mê sâu, nguy kịch vừa được chuyển từ tuyến dưới lên sau khi được sơ cứu. Ekip y, bác sỹ tại Trung tâm Cấp cứu và Hồi sức tích cực ngoại khoa tập trung nhân lực, khẩn trương cấp cứu hồi sinh tim phổi, xử lý các vết thương chảy máu cho bệnh nhân. Đồng thời, nhanh chóng hội chẩn với các chuyên khoa để đưa ra phương án cấp cứu, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Nơi “đầu sóng ngọn gió” ở các bệnh viện - Ảnh 2.

Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Tiến Tùng, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Những ca cấp cứu trong đêm đều là những ca rất nặng. Chúng tôi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng và chính xác".

Nơi “đầu sóng ngọn gió” ở các bệnh viện - Ảnh 3.

Cuộc chiến với tử thần ở các đơn vị hồi sức tích cực sơ sinh lại càng cam go hơn khi bệnh nhân là những thiên thần bé nhỏ vừa chào đời. Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá tập trung các bệnh nhi sơ sinh nặng nhất của bệnh viện. Hầu hết bệnh nhi là những em bé sinh non, gặp biến chứng khi ra đời phải duy trì sự sống bằng thiết bị hỗ trợ ô xy, hỗ trợ tiêu hóa… Tiếp nhận mỗi bệnh nhi vào Khoa Hồi sức Tích cực sơ sinh, các thầy thuốc cũng nhận lấy sự trông đợi rất lớn từ gia đình các cháu.

Nơi “đầu sóng ngọn gió” ở các bệnh viện - Ảnh 4.

Thạc sỹ, Bác sỹ CKII Lê Xuân Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá

Thạc sỹ, Bác sỹ CKII Lê Xuân Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: "Chăm sóc, hồi sức sơ sinh cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, đòi hỏi nhân viên y tế làm việc giỏi về chuyên môn, xác định đúng mặt bệnh, kỹ thuật can thiệp cần thực hiện còn đòi hỏi sự y nghề, chăm sóc trẻ cẩn thận hơn cả con mình".

Cấp cứu - Hồi sức tích cực là chuyên khoa thực hiện các kỹ thuật cấp cứu một cách nhanh chóng trong các trường hợp tai nạn, thương tích, các bệnh cấp tính và mọi trường hợp nguy kịch được chuyển đến. Mục tiêu cuối cùng là cứu sống bệnh nhân, hạn chế những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh, ngăn chặn bệnh diễn biến xấu đi và góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục.

Nơi “đầu sóng ngọn gió” ở các bệnh viện - Ảnh 5.

Bất kể ngày thường hay cuối tuần, bất kể ngày lễ hay tết, những y, bác sỹ, điều dưỡng làm nhiệm vụ cấp cứu – hồi sức tích cực tại các bệnh viện luôn tất bật, khẩn trương với công việc cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới vào. Ở nơi đó, ngoài tiếng vận hành của máy móc thì sự im lặng bao trùm, nhưng ẩn chứa sau đó là tinh thần làm việc hết sức tích cực, khẩn trương của các y, bác sỹ, điều dưỡng để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Nguồn: Bản tin TS trưa/TTV