Nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử

16:52 - 15/01/2023

Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực sưu tầm, đổi mới sáng tạo trong hoạt động trưng bầy và giới thiệu tư liệu hiện vật, qua đó giúp cho đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa và những giá trị to lớn của các sự kiện, dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Phòng truyền thống của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang trưng bầy, giới thiệu hơn 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử sử to lớn, liên quan đến phong trào yêu nước cách mạng của quần chúng Nhân dân giai đoạn 1930-1945. Những tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến diễn biến thành lập tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội; thành lập các Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa; sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ở làng Yên trường, xã Thọ lập huyện Thọ Xuân vào ngày 29/7/1930.

Trong số này, có nhiều tài liệu hiện vật độc bản,có giá trị quan trọng như: bộ sưu tập những tờ truyền đơn, tài liệu tuyên truyền của Đảng, chiếc mâm xà, bàn đá li tô phục vụ in tờ báo Tiến lên, báo Tự do của Đảng bộ Thanh Hóa để phục tuyên truyền về phong trào đấu tranh cách mạng; bộ sưu tập những tờ báo cách mạng của Đảng lúc bấy giờ; các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ, vũ khí…. của các chiến sỹ cộng sản trong quá trình hoạt động bí mật….

Nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử - Ảnh 2.

Để có được những tư liệu, hiện vật, hình ảnh có giá về mặt lịch sử to lớn lưu giữ và trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng, là công sức, sự nhiệt huyết và tinh thần làm việc không mệt mỏi của rất nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ.

Từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện đề án "Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2010-2020" đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Từ việc triển khai thực hiện đề án, hoạt động của các phòng, ban tại Bảo tàng trở nên quy củ và hiệu quả hơn. Theo đó,hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Thanh Hóa được bố trí thành 7 phòng có diện tích 2 nghìn m2 với gần 3 nghìn hiện vật, hàng nghìn ảnh, tư liệu khoa học, trình bày theo trình tự lịch sử.

Nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử - Ảnh 3.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề giới thiệu một chủ đề lịch sử cụ thể, đó là: "Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa"; "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa"; "Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa".

Cùng với việc tập trung nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, tham gia nghiên cứu khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực đổi mới hoạt động trưng bầy, bằng nhiều hình thức tuyên truyền để tạo thu hút công chúng tham quan, đồng thời làm tốt chức năng giáo dục. Nhờ những nỗ lực không ngừng, hiện nay, nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa ngày càng đông hơn.

Trong thời gian qua, các nhà trường trong tỉnh và thành Phố Thanh Hóa đã thường xuyên tổ chức đưa các em học sinh đến tham quan Bảo tàng. Qua đó giúp cho các em được tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức, những giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương thông qua các tư liệu, hiện vật và hình ảnh đang được trưng bày tại Bào tàng tỉnh Thanh Hóa.

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân mới quý mão 2023, Bảo tàng Thanh Hóa đã chỉnh trang khuôn viên, mở cửa thường xuyên các phòng trưng bầy ở không gian trong nhà. Bảo tàng cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động trưng bầy ngoài trời kết hợp với tổ chức các trò diễn dân gian nhằm phục vụ nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Không chỉ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn tích cực hỗ trợ các địa phương trong tỉnh về cung cấp tư liệu, hiện vật, tổ chức giới thiệu, trưng bầy tại các phòng truyền thống Khu di tích văn hóa lịch sử và cách mạng như: Di tích Hàm Hạ, Di tích Rừng Thông (huyện Đông Sơn), di tích nhà thờ họ Vương (Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa) Khu di tích Yên Trường (huyện Yên Định), Khu di tích cách mạng Làng Yên Trường, xã Thọ Lập (huyện Thọ Xuân), Di tích Chiến Khu Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành ).

Cùng với bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, các khu di tích lịch sử này sẽ tạo thành một hệ thống trưng bày, giới thiệu tư liệu hiện vật lịch sử, trở thành những "địa chỉ đỏ", góp phần tuyên truyền giáo dục, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ đó tiếp thêm động lực và sức mạnh tinh thần để cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, quyết tâm nỗ lực phấn đấu, từng bước hiện thực hóa  khát vọng xây dựng Tỉnh Thanh Hóa ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh và trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong đợi.

Nguồn: Chuyên mục Xây dựng Đảng ngày 13.01.2023