Nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm

09:18 - 18/12/2022

Trong nuôi tôm, việc thực hiện các biện pháp nuôi trồng an toàn không cbỉ hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi tôm còn là quy định bắt buộc của Luật Thủy sản.

Với diện tích trên 2 ha, cơ sở nuôi tôm này dành 65% sử dụng cho ao lắng, xử lý nước tuần hoàn, nguồn nước vào bể nuôi luôn đảm bảo các chỉ số về môi trường. Cơ sở hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, chủ yếu sử dụng khoáng, vi sinh ổn định môi trường. Nguồn thức ăn luôn được kiểm soát chặt chẽ. Trung bình một năm, cơ sở thu từ 60-100 tấn tôm thương phẩm.

 Nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm    - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Hữu Thái - Cơ sở nuôi tôm công nghệ cao xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Anh Nguyễn Hữu Thái - Cơ sở nuôi tôm công nghệ cao xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết:  "Bây giờ người tiêu dùng rất quan tâm đến attp, chúng tôi luôn chú trọng nguồn thức ăn phải từ các đơn vị uy tín, rõ nguồn gốc,  đảm bảo các về an toàn thực phẩm".

Xã Đa Lộc hiện có 230 ha nuôi tôm với 117 hộ nuôi. Hàng năm, tất cả các hộ nuôi tôm đều ký cam kết về thực hiện các điều kiện nuôi tôm an toàn thực phẩm.   

Hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 4.100 ha diện tích nuôi tôm, cho sản lượng  trên 7.000 tấn/năm, giá trị gần 700 tỷ đồng, chiếm trên 11% tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, tôm sú diện tích nuôi 3.600 ha, sản lượng 1.000 tấn; tôm thẻ chân trắng thâm canh diện tích nuôi trên 500 ha, sản lượng hơn 6.000 tấn. Phần lớn diện tích nuôi tôm tập trung tại các địa phương: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa Thanh Hóa… 

 Nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm    - Ảnh 3.

Trong toàn bộ chuỗi  sản xuất kinh doanh thủy sản nói chung, tôm nói  riêng, rủi ro về an toàn thực phẩm chủ yếu ở khâu nuôi trồng. Do vậy, Chi cục thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tại các cơ sở thực hiện các quy định, các quy chuẩn trong nuôi tôm an toàn thực phẩm, đồng thời chú trọng giám sát vật tư đầu vào. Nhờ đó, các cơ sở, hộ dân đều chú trọng nuôi tôm an toàn thực phẩm

 Nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm    - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Hương - Phó Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa

Bà Lê Thị Hương - Phó Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên giám sát cơ sở sản xuất con giống, thức ăn, hóa  chất, vi sinh , thú y… giám sát quá trình từ công đoạn thả giống đến bán ra thị trường".

Theo kế hoạch hành động phát triển ngành tôm Thanh Hóa, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt trên 4.700  ha, phấn đấu tổng sản lượng tôm nuôi đạt 10.700 tấn,  giá trị sản xuất trên 1.500 tỷ đồng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ,  tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi… là những điều kiện quan trọng để nâng cao năng suất, giá trị cho các vùng nuôi. Đây cũng là giải pháp để phát triển hiệu quả, bền vững sản phẩm chủ lực trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV