Nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

22:24 - 12/04/2023

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi trồng thủy sản ở những địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, các địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích phát triển các hình thức nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, thích ứng với thời thiết, khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao.

Do ảnh hưởng thời tiết, những năm trước đây, đầm nuôi tôm quảng canh của gia đình ông Trần Văn Sơn, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn thường bị dịch bệnh, thu nhập không đáng kể. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, từ năm 2020, ông Sơn đã cải tạo ao đầm thành các bể lót bạt nuôi tôm giống và thịt theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào, thức ăn, con giống; lắp đặt hệ thống quạt nước cung cấp đủ lượng ô-xy cho tôm; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. Với 3 ha nuôi tôm, trừ chi phí, gia đình ông Sơn thu lãi 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông Trần Văn Sơn, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn cho biết, việc nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi quản lí được môi trường dễ hơn so với nuôi quảng canh, thứ hai chủ động được số lượng con giống quản lý đảm bảo hơn.  

Nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Thực tế cho thấy, tình trạng xâm nhập mặn, mưa lớn, nắng nóng kéo dài đã làm thay đổi hệ sinh thái các vùng nước, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng trên diện tích nuôi trồng thủy sản. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ mới như: nuôi lồng nổi có mái che; nuôi thâm canh công nghệ cao; nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lí nước thải... Đồng thời, thực hiện đa dạng sản xuất, đưa các giống loài có khả năng chịu mặn và hạn vào nuôi trồng. Các địa phương cũng ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp, nhằm khôi phục hệ sinh thái ở khu vực cửa sông, ven biển.

Nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Ông Bùi Sỹ Hạnh, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương cho biết: "Chúng tôi tuân thủ theo khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, xử lí nguồn nước đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như an toàn cho con cá bằng vôi bột, các nguồn phân lân, nhờ chăm sóc đầy đủ nên đến bây giờ chất lượng con cá tốt, không có dịch, không khí,nguồn nước trong sạch". Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cũng cho biết thêm: "Để thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản bà con cần lưu ý 2 vấn đề chính: thứ nhất là cơ sở hạ tầng phải ứng dụng công nghệ cao, nuôi trong nhà mái che, sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm quản lý tốt vấn đề môi trường; thứ 2 lựa chọn con giống và mùa vụ thả cho phù hợp. Xu thế lựa chọn con giống khả năng thích ứng cao với điều kiện khắc nghiệt của môi trường".

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có trên 5.000 ha vùng triều nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt trên 650 ha. Nhờ đó, các đối tượng thủy sản dần thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

 

Nguồn: Bản tin Nông nghiệp – Nông thôn ngày 12.4.2023