Ông Trump có đủ thẩm quyền điều động quân đội để trấn áp biểu tình?

14:41 - 02/06/2020

Ông Trump đe dọa kích hoạt Đạo luật chống bạo loạn 1807 để trấn áp biểu tình, tuy nhiên đạo luật này cũng đặt ra hạn chế đối với Tổng thống.

Điều kiện để kích hoạt Đạo luật 1807

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (1/6) đe dọa kích hoạt Đạo luật chống bạo loạn (có từ năm 1807), thực hiện biện pháp bất thường là triển khai binh sỹ Mỹ phối hợp với cảnh sát để trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra trên các đường phố.

ong trump co du tham quyen dieu dong quan doi de tran ap bieu tinh? hinh 1
Người biểu tình đòi công lý cho George Floyd đối đầu cảnh sát tại thành phố Columbia, bang South Carolina ngày 30/5. Ảnh: Reuters.

Dù ông Trump cho rằng việc triển khai quân đội sẽ giúp “phá vỡ” Antifa -  tổ chức gồm nhiều nhóm nhỏ mang khuynh hướng chính trị thiên tả hoặc cực tả mà ông cáo buộc đã tổ chức biểu tình bạo loạn những ngày qua trên khắp nước Mỹ, nhưng một số ý kiến lo ngại động thái này sẽ ngăn chặn những cuộc biểu tình ôn hòa đòi công lý cho cái chết của  thanh niên da màu George Floyd ngày 27/5.

Đây sẽ là một bước ngoặt đáng chú ý đối với đạo luật đã được sử dụng vào những năm 1950 và sau đó vào những năm 1960 để xử lý các cuộc bạo loạn tại Detroit. Theo Cơ quan nghiên cứu Quốc hội, Đạo luật 1807 vẫn chưa được kích hoạt kể từ năm 1992 trong các cuộc bạo loạn tại Los Angeles liên quan đến vụ 4 sỹ quan cảnh sát dùng vũ lực với công dân da màu Rodney King khiến người này tử vong.  Ông William Barr – Bộ trưởng Tư phápcủa Mỹ, trước đó cũng đảm nhiệm vai trò này dưới thời cựu Tổng thống George H.W. Bush.

Quốc hội Mỹ đã sửa đổi Đạo luật 1807 sau khi cơn bão Katrina xảy ra vào năm 2006 để có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra các thảm họa tự nhiên, nhưng cơ quan này đã bỏ một số thay đổi 1 năm sau đó do các thống đốc bang phản đối.

Trước đó hôm qua (1/6), Tổng thống Trump tuyên bố nếu các thống đốc không hành động theo ý ông, ông sẽ điều động quân đội. “Nếu các thành phố hoặc tiểu bang từ chối thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”, ông Trump nói.

Tuy nhiên, Đạo luật 1807 cũng đặt ra những hạn chế đối với Tổng thống của nước Mỹ. Để có thể triển khai quân đội, Tổng thống trước hết cần nhận được yêu cầu giúp đỡ từ các tiểu bang. Hơn nữa các điều khoản khác của Đạo luật chống bạo loạn không yêu cầu thống đốc hoặc một cơ quan lập pháp của bang phải đồng ý với đề nghị của Tổng thống, ngay cả khi Tổng thống xác định tình hình tại một bang khiến không thể thực thi các luật lệ của Mỹ hoặc khi quyền công dân bị hạn chế.

“Trong lịch sử và trong thực tế, những vấn đề như vậy không phải là điều kiện tiên quyết để Tổng thống sử dụng quân đội liên bang phục vụ cho việc thực thi pháp luật trong nước”, ông Stephen Vladeck – giáo sư luật tại Đại học Texas nói với CNN.

Cũng có nhiều trường hợp Tổng thống vẫn sử dụng quân đội bất chấp sự phản đối của các thống đốc. Chẳng hạn như Tổng thống Dwight Eisenhower từng kích hoạt Đạo luật chống bạo loạn khi ông quốc hữu hóa Lực lượng Phòng vệ quốc gia bang Arkansas và điều quân đội đến đây giúp thực hiện mệnh lệnh của tòa án liên bang nhằm xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc tại các trường học.

Nhiều thống đốc bang đã nhanh chóng phản đối động thái của ông Trump. Thống đốc J.B. Pritzker, bang Illinois cho biết: “Tôi phản đối quan điểm cho rằng chính phủ liên bang có thể đưa quân đội đến bang Illinois. Thực tế là Tổng thống đã gây ra sự giận dữ ở đây. Ông muốn thay đổi chủ đề, chuyển hướng sự chú ý khỏi thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19, tiếp đến là sự bất ổn vì vụ việc xảy ra với George Floyd và giờ ông muốn tạo ra một chủ đề khác, tự cho mình là Tổng thống của “luật pháp và trật tự”.

Phản ứng trái chiều từ Bộ Quốc phòng Mỹ

Theo CNN, đã có sự bất bình sâu sắc và ngày càng gia tăng trong Bộ Quốc phòng ngay cả trước khi Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội để đảm bảo trật tự tại quốc gia này.

CNN cho biết, một số quan chức trong Bộ Quốc phòng đã phản ứng bằng cách nói rằng tình hình chưa đến mức cần phải kêu gọi triển khai các binh sỹ đang phục vụ trong quân ngũ nếu các thống đốc bang không nêu rõ rằng điều đó là cần thiết. “Có một mong muốn ở đây là hãy để các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nhiệm vụ”, một quan chức quốc phòng nói, viện dẫn những đạo luật cấm quân đội thực thi pháp luật tại Mỹ.

Phát biểu với báo chí hôm 31/5, Thiếu tướng lục quân Thomas Carden, tư lệnh Vệ binh Quốc gia bang Georgia nhấn mạnh: “Chúng ta không nên quen với việc chấp nhận các thành viên trong quân đội phải đứng ra thực thi pháp luật để bảo đảm an toàn cho người dân bên trong nước Mỹ. Dù chúng tôi rất vui và rất vinh dự khi làm điều đó, nhưng đã đến lúc chúng ta cần phải thể hiện vai trò là một quốc gia thống nhất”.  

 “Trong tất cả những nhiệm vụ tôi được yêu cầu thực hiện suốt 34 năm qua trên cương vị này thì yêu cầu nói trên nằm cuối cùng trong danh sách”, Tướng Carden cho biết khi nói về sứ mệnh hỗ trợ chính quyền địa phương đối phó với các cuộc biểu tình. Ông tin tưởng sự hiện diện của Lực lượng Vệ binh quốc gia có tác dụng ngăn chặn và giảm bớt tình hình bất ổn.

Một quan chức quốc phòng khác cho rằng “các biện pháp tăng cường có thể được thực hiện để củng cố năng lực của liên bang, tiểu bang và lực lượng thực thi pháp luật địa phường trong đối phó với biểu tình, song nhấn mạnh, việc điều động quân đội nên là lựa chọn cuối cùng trong các biện pháp đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 1/6 cho biết, hiện giờ hơn 17.000 thành viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia  đã được triển khai tại 29 bang và Washington D.C./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)