Phản bác những luận điệu xuyên tạc quyền con người tại Việt Nam

Mặc dù những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, bảo đảm lợi ích chính đáng cho công dân, nhưng vì những mục đích đen tối, các đối tượng thù địch vẫn luôn xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hòng quấy rối, chống phá nước ta. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng này là lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, sai trái, cố tình vu cáo Việt Nam “không có dân chủ, không có nhân quyền”.

Trên mạng internet, một tổ chức tự xưng là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" đã vu cáo: Việt Nam vi phạm quyền con người, bắt và giam giữ tùy tiện gần 300 tù nhân lương tâm. Nhưng thực chất, những kẻ bị bắt đều là đối tượng vi phạm pháp luật, gây rối xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia. Bằng những luận điệu sai trái đó, các đối tượng phản động tiếp tục chống phá, xuyên tạc rằng "Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc".

Phản bác những luận điệu xuyên tạc quyền con người tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hay mới đây, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định cấm hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý, với mục đích nhằm bảo vệ quyền riêng tư của mọi công dân; thế nhưng các đối tượng phản động đã lợi dụng điều này để xuyên tạc thành Việt Nam đang vi phạm quyền con người, vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Phản bác những luận điệu xuyên tạc quyền con người tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Long - Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Văn Long - Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, các phiên tòa được xét xử công khai, trừ những phiên tòa liên quan đến bí mật nhà nước. Việc tác nghiệp báo chí hay ghi âm ghi hình tại phiên tòa không phải bị cấm mà phải tuân theo quy định của phiên tòa và phải được sự đồng ý của những người được ghi âm ghi hình. Điều này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân của mỗi người. Như vậy pháp lệnh đã bảo vệ quyền con người ở một mức độ cao hơn.

Có thể nói, việc bảo đảm quyền con người luôn được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã quan tâm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm quyền con người của công dân. Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế giới ghi nhận.

Phản bác những luận điệu xuyên tạc quyền con người tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa

Bà Lê Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ khi thành lập nước đến nay, ngay Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đều đưa quyền con người lên hàng đầu. Sau đó, các luật đã cụ thể hóa quyền con người trên các lĩnh vực: hình sự, dân sự, tố tụng, bầu cử, hành chính...Đặc biệt pháp luật Việt Nam rất quan tâm bảo vệ đối tượng yếm thế như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Ngay cả người bị hạn chế quyền công dân như bị can, bị cáo cũng được bảo vệ quyền con người cơ bản nhất. Hệ thống pháp luật của Việt Nam rất phù hợp với pháp luật quốc tế, với các công ước về quyền trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, bảo vệ phụ nữ....Có thể nói pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu: Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Ngày 14/9/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ xây dựng một nền móng pháp lý hoàn thiện để bảo vệ công dân, mà còn nỗ lực tuyên truyền rộng rãi để mỗi công dân có thể hiểu rõ, hiểu đúng về quyền và trách nhiệm của bản thân, từ đó có hành động đúng để góp phần làm cho quyền con người của bản thân mình và mọi người trong xã hội đều được đảm bảo một cách thực chất. 

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV