Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2024

08:03 - 18/02/2024

Được xác định là năm "tăng tốc, bứt phá và về đích" để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã được đặt ra với tính phấn đấu cao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm mới, các địa phương, doanh nghiệp đều đã triển khai thực hiện và có nhiều nỗ lực cố gắng để góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu chung đó.

Đóng vai trò chủ lực trong thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh, năm 2024, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 14,9% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt các chính sách, chương trình hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động, nỗ lực sản xuất, tái cấu trúc hoạt động và linh hoạt tìm kiếm thị trường mới.

Ông Phạm Khánh Đạt, quản lý sản xuất Công ty liên doanh phân bón Hữu Nghị, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Năm 2024 với phương châm tiếp tục xúc tiến đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tập trung thị trường trọng điểm, đặc biệt là thị trường phía Nam, miền Trung và phía Bắc, mở rộng ra các thị trường mới để tăng được năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trên tinh thần đó, Công ty sẽ có các phương án, cũng như các chính sách để kích cầu cho việc sản xuất kinh doanh". Ông Lê Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết: "Năm 2024 chúng tôi xây dựng kế hoạch với sự phát triển 20% so với năm 2023, trong năm nay chúng tôi cũng sẽ phát triển thêm một số sản phẩm mới và bên cạnh đó phát triển thị trường tiêu thụ đảm bảo kế hoạch đặt ra".

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2024- Ảnh 1.

Ngành dệt may đóng vai trò quan trọng, bởi các sản phẩm của ngành chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Sang năm nay, thị trường dệt may đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đủ để sản xuất trong nửa năm 2024, điều này có cơ sở quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Kế hoạch 2024 ngành dệt may tăng trưởng khoảng 20%, dự kiến là trong năm nay, chúng tôi sẽ phát triển thêm một số sản phẩm mới, và bên cạnh đó tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ, đảm bảo được kế hoạch đã đặt ra".

Sự sôi động trong hoạt động cảng biển không chỉ thể hiện sự sôi động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại mà còn là nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ngay từ đầu năm mới, các khu vực cảng biển của tỉnh Thanh Hoá đều đang khá nhộn nhịp. Các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024. Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Quản đốc, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tháng một đầu năm đã có sự khởi sắc rõ rệt, sản lượng của tháng một đã đạt hơn một triệu tấn, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của năm. Đây là dấu hiệu khởi sắc cho năm mới, với khí thế đó thì tất cả cán bộ, công nhân viên của cảng đã ra quân với kỳ vọng một năm mới 2024 Giáp Thìn này sẽ đạt và phát triển hơn nữa".

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2024- Ảnh 2.

Với chủ đề năm 2024 là "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển", Nghị quyết số 15, ngày 1/12/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định sẽ tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và thực hiện 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã được xác định. Cụ thể là:

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên

Nông, lâm nghiêp, thuỷ sản tăng 3% trở lên

Công nghiệp - Xây dựng tăng 14%

Dịch vụ tăng 9,2%.

Thuế sản phẩm tăng 13,8% trở lên.

Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 135 tỷ đồng trở lên

Thu ngân sách nhà nước đạt gần 35.570 tỷ đồng…

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2024- Ảnh 3.

Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đều đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và đồng bộ; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo đột phá phát triển đô thị và công nghiệp tập trung. Ông Nguyễn Ngọc Hiểu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá cho biết: "Huyện tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước tiếp cận với các tiêu chí đô thị, trong đó tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án, phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu giải phóng bằng các dự án mà tỉnh giao. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân tiến độ đầu tư công và phấn đấu đến cuối năm 2024, hoàn thành 100% vốn đầu tư công được giao theo kế hoạch".

Ngay trong tháng 1/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Thanh Hoá đã có bước phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 43,48% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng với trên 631triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 94,3% so với cùng kỳ; trong đó: xuất khẩu chính ngạch ước đạt 625,68 triệu USD; xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh ước đạt 5,46 triệu USD. Đây là tín hiệu vui và là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hoá hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế mà nghị quyết đã đề ra.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 18/2/2024