Phân loại rác thải tại nguồn đem lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường

08:47 - 13/08/2022

(TTV) - Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến nay, nhiều cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Việc làm này nhằm tách rác còn giá trị, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ có 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn 10% mức trung bình của thế giới. Tại Thanh Hóa, thời gian qua, công tác quản lý chất thải nhựa còn chưa đồng bộ, ý thức người dân chưa đồng đều. Nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ vẫn phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phân loại rác thải là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình, nhằm thu gom rác thải nhựa và các loại có thể tái chế, đồng thời giảm lượng rác hữu cơ ra môi trường. Từ việc thay đổi nhận thức, thói quen, đông đảo người dân và nhiều cơ quan, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả hàng trăm mô hình thiết thực, như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên.

Phân loại rác thải tại nguồn đem lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Ông Aswini Nayak - Giám đốc Hành chính – Nhân sự, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 cho biết Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 đã hỗ trợ thị xã Nghi Sơn phát triển các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, sinh kế, và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường khu dân cư là một trong những hợp phần quan trọng của chương trình trách nhiệm xã hội của Công ty, góp phần hỗ trợ người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang phương thức canh tác hữu cơ, phân loại và xử lý phế phẩm nông nghiệp ngay tại gia đình, giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, mong muốn của người dân là sớm ban hành các văn bản dưới Luật về bảo vệ môi trường. Người dân còn nhiều băn khoăn về trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị có chức năng; vai trò kiểm tra, giám sát của Chính quyền và người dân như thế nào để đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 sớm đi vào cuộc sống./.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 13/8