Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ

18:43 - 04/01/2022

(TTV) - Nhận thấy lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhiều địa phương, đơn vị và người dân trên địa bàn Thanh Hóa đã thu gom, xử lý rác thải có thể phân hủy thành các loại phân bón hữu cơ sử dụng cho cây trồng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường bền vững.

 

Trong năm 2021, huyện Yên Định đã phát động người dân 8 xã trên địa bàn xây dựng 14 mô hình “Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được người dân phân thành 2 loại, gồm rác hữu cơ và rác sinh hoạt khác, đựng riêng biệt trong 2 túi khác nhau. Rác hữu cơ được ủ thành phân bón cho cây trồng; rác sinh hoạt khác giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển.

Còn tại thị xã Nghi Sơn, từ tháng 4/2021, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 và Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp thực hiện mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau bằng thuốc trừ sâu bệnh sinh học tự làm” cho 36 hộ trên địa bàn 2 phường Tĩnh Hải và Hải Thượng. Đến nay, 100% số hộ tham gia mô hình đã tự ủ thành công các loại chế phẩm hữu cơ để sử dụng trên đồng ruộng. Ruộng rau màu sử dụng chế phẩm hữu cơ giảm thiểu được hơn 80% sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí cho người trồng. Sản phẩm rau an toàn, có thể ăn trực tiếp ngay.

Các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, thuốc trừ sâu tại hộ gia đình hiệu quả chính là gợi ý và kinh nghiệm giúp các địa phương, các khu dân cư  áp dụng, triển khai. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả quy định người dân phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ Môi trường./.

Lan Anh – Linh Sơn – Văn Tráng/Bản tin thời sự 18h30 ngày 4.1-TTV