Phần mềm kết nối cung cầu: Cơ hội mới cho nông sản, thực phẩm an toàn

08:48 - 18/04/2019

(TTV) - Sau gần 1 tháng chính thức vận hành, phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần tạo môi trường tin cậy giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng gặp gỡ, kết nối giao thương, giúp cơ quan chức năng phát huy được vai trò quản lý, giám sát trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Giao diện phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa
Giao diện phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa.

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên ở thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn đều dành ít nhất 30 phút để cập nhật các thông tin lên phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm. Chỉ cần 1 vài thao tác đơn giản, các thông tin như: tên sản phẩm, số lượng, xuất xứ, địa điểm cung cấp... đã được chị Thủy Tiên cập nhật đầy đủ trên phần mềm. Ngoài việc bán hàng trực tiếp tại cửa hàng thì phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm được chị xác định là 1 kênh bán hàng đầy tiềm năng.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, HTX dịch vụ rau an toàn thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn: Phần mềm này có nhiều tiện ích, giúp quảng bá được những sản phẩm bên em sản xuất ra. Trước kia có thể họ chưa biết đến mình, nhưng từ khi tham gia vào bọn em cũng tìm được nhiều nguồn cung hơn.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, HTX dịch vụ rau an toàn thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn: Phần mềm này có nhiều tiện ích, giúp quảng bá được những sản phẩm bên em sản xuất ra. Trước kia có thể họ chưa biết đến mình, nhưng từ khi tham gia vào bọn em cũng tìm được nhiều nguồn cung hơn.

Hiện nay, phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm đang được hoạt động như 1 sàn giao dịch điện tử. Ở đây người bán và người mua có thể hoàn toàn giao dịch trên môi trường mạng. Trong giai đoạn này, phần mềm đã được tích hợp thanh toán điện tử qua phương tiện thanh toán VNPT Pay, kết nối 34 ngân hàng và dịch vụ vận chuyển. Điểm khác biệt nhất của phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm này đó chính là có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo: mặt hàng gì, của đơn vị nào được tham gia lên “kệ hàng”. Nói cách khác việc tham  gia vào hệ thống kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn Thanh Hóa chính là sự xác thực đảm bảo đầy đủ về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Thanh Hóa cho biết: Điểm nổi bật nhất của phần mềm này đó là được thiết kế tương đối thuận tiện, chạy trên đa nền tảng, mọi người có thể tiếp cận dễ dàng, có thể tiếp cận dưới góc độ người tiêu dùng bình thường, có thể tiếp cận dưới góc độ là một thành viên...

Theo thông tin từ Trung tâm Công nghệ thông tin, Viễn thông Thanh Hóa: đến thời điểm này, đã có trên 500 hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào hệ thống và đã xuất hiện các đơn hàng đầu tiên, có những giao dịch, tìm hiểu thông tin giữa các đơn vị cung ứng. Đơn vị này đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện tính năng của phần mềm trên điện thoại di động, thiết lập an toàn bảo mật trên toàn hệ thống. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã, các chủ sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn sẽ tiếp tục được tập huấn, đào tạo nhằm quản lý, khai thác, sử dụng các chức năng của phần mềm một cách hiệu quả nhất. /.

Hồng Tư - Cao Tùng