Phản ứng của Nga trước khả năng Israel gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tới Ukraine

21:32 - 02/02/2023

Phản ứng trước thông tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không loại trừ khả năng gửi các hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tới Ukraine, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, bất cứ ai suy nghĩ về việc gửi vũ khí tới Ukraine đều đang làm leo thang xung đột.

Phản ứng của Nga trước khả năng Israel gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tới Ukraine  - Ảnh 1.

Phát biểu trước các phóng viên ở Maxcova bà Zakharova nói: "Bất kỳ nỗ lực nào, đã được thực hiện hoặc thậm chí chưa thực hiện nhưng đã được thông báo, nhằm cung cấp thêm vũ khí mới hoặc một số loại vũ khí khác cho Ukraine sẽ khiến cuộc khủng hoảng leo thang. Tất cả các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine nên hiểu rằng chúng tôi sẽ coi những vũ khí đó là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang Nga".

Cảnh báo của bà Zakharova được đưa ra sau khi nhiều hãng truyền thông đưa tin Thủ tướng Netanyahu "chắc chắn đang xem xét" khả năng triển khai các hệ thống Vòm Sắt tới Ukraine.

Vòm Sắt là một hệ thống phòng không tầm ngắn mà Israel đã sử dụng để chống lại các tên lửa do Phong trào Hezbollah và Phong trào Hamas phóng đi. Một khẩu đội Vòm Sắt bao gồm một radar mảng pha quét điện tử đa năng, một đài chỉ huy và ba bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir, hoạt động ở chế độ tự động giám sát tình hình trên không.

Cũng trong ngày 1/2, trả lời phỏng vấn kênh TRT Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan  nhấn mạnh rằng việc phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine sẽ không giải quyết được xung đột vũ trang tại đây và "bước đi mạo hiểm này chỉ đặc biệt có lợi cho các ông trùm vũ khí". Ông bày tỏ: "Chúng tôi mong các nước phương Tây ủng hộ lời kêu gọi của chúng tôi về đàm phán giữa Ukraine và Nga".

Ngày 1/2, tại cuộc họp toàn thể của Hội nghị giải trừ quân bị, phái đoàn Nga đã cảnh báo khả năng xảy ra đụng độ vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân do phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc, với việc tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí, huấn luyện lính đánh thuê, cung cấp thông tin tình báo, các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp đã tạo ra những nguy cơ thực sự về một cuộc xung đột vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân. Phái đoàn Nga cũng nhấn mạnh, sự ủng hộ như vậy đối với Ukraine mâu thuẫn với tuyên bố của đại diện chính thức của các nước phương Tây về sự cần thiết của một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu để xảy ra đụng độ vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân thì hậu quả đối với nhân loại sẽ rất lớn, vì khi đó nhiều khả năng sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Các chuyên gia nhấn mạnh, cách tốt nhất để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine là các bên cần kiềm chế, ngừng bắn, quay trở lại bàn đàm phán.

Nguồn: Bản tin Thời sự quốc tế tối/TTV