Pháp gặp khó trong giảm thâm hụt ngân sách

18:20 - 27/03/2024

Chính phủ Pháp sẽ phải đẩy mạnh cắt giảm ngân sách, trong bối cảnh các số liệu vừa công bố ngày 26/3 cho thấy mức thâm hụt ngân sách công trong năm ngoái của nước này cao hơn nhiều so với dự kiến.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Pháp INSEE, mức thâm hụt ngân sách công trong năm ngoái là 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng so với mức 4,8% ghi nhận năm 2022 và cao hơn đáng kể so với mục tiêu 4,9% mà Chính phủ Pháp đề ra. Trong khi đó, nợ công của nước này vào cuối quý 4/2023 ở mức 110,6% GDP, thấp hơn so với mức 111,9% trong cùng kỳ năm 2022.

Phản ứng sau thông tin trên, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nêu rõ, tăng trưởng kinh tế yếu hơn so với dự kiến trong năm ngoái đã dẫn đến giảm nguồn thu từ thuế, khiến thâm hụt lớn hơn. Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh, ông vẫn cam kết đưa thâm hụt xuống mức 3% vào năm 2027 theo ngưỡng mà Liên minh châu Âu (EU) đề ra, đồng thời loại trừ việc tăng thuế.

Mặc dù Chính phủ Pháp đã cảnh báo trước rằng thâm hụt sẽ cao hơn dự kiến, nhưng thông tin trên vẫn là tin xấu, bởi điều này đồng nghĩa chính phủ sẽ phải đẩy mạnh tiết kiệm ngân sách trong năm nay để đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 4,1%.

Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch cắt giảm thêm 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD) chi tiêu ngân sách trong năm nay, và cho biết có thể vào giữa năm, nước này sẽ cần thông qua một dự luật nhằm tăng thêm các khoản tiết kiệm khác.

Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, việc triển khai các biện pháp tài chính mạnh nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt ngân sách tại một số nước EU tăng cao, trong đó có Pháp. Bà Georgieva khuyến nghị Pháp vẫn nên thắt chặt chi tiêu trong năm 2024.

Cân bằng ngân sách được xem là thách thức chung của nhiều nước EU, trong đó có Pháp. Giới phân tích kỳ vọng, các biện pháp quyết liệt vừa được ban hành sẽ phát huy tác dụng, giúp Pháp sớm ổn định nền tài chính công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nguồn: Bản tin TSQT chiều 27/3