Phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ tài chính vi mô Thanh Hóa

06:35 - 05/02/2024

Những năm gần đây, dịch vụ tài chính vi mô Thanh Hóa đã cung cấp có hiệu quả vốn vay nhỏ để phát triển kinh tế cho các đối tượng yếu thế, như: phụ nữ, hộ nghèo, cận nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ... Tuy là những đồng vốn nhỏ, nhưng nhờ được sử dụng đúng mục đích đã giúp cho nhiều người có việc làm, thu nhập nhập ổn định.

13 năm làm nghề nướng cá biển để cung cấp ra thị trường, bà Đỗ Thị Chanh ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương luôn nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa - tiền thân là Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa. Nguồn vốn vay từ tổ chức này đã giúp bà khởi nghiệp và duy trì được việc làm, thu nhập ổn định.

Phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ tài chính vi mô Thanh Hóa- Ảnh 1.

Bà Đỗ Thị Chanh, Thôn Bắc, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ngày nào đi chợ xong, tôi cũng để ra một khoản tiền để trả hàng tháng. Tôi thấy dịch vụ tài chính vi mô rất hay. Tôi còn tư vấn tuyên truyền cho hội viên vay. Kinh tế gia đình tôi giờ ổn định rồi, không khó khăn như trước nữa".

Gia đình bà Hoàng Thị Khoa, ở thôn Thạch Nam, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương trước đây là hộ nghèo, sau đó là hộ cận nghèo, chồng bà sức khỏe yếu, phải nghỉ nghề đi biển và chỉ có thể làm việc tại nhà. Năm 2013, từ nguồn vốn vay 10 triệu đồng của Tổ chức tài chính vi mô, gia đình bà đã đầu tư mua nguyên liệu về đan lưới cung cấp cho người đi biển. Hơn 10 năm qua, mỗi khi có nhu cầu về vốn để đầu tư cho sản xuất, gia đình bà luôn được Tổ chức tài chính vi mô tạo điều kiện cho vay tiếp. Việc giải ngân, trả nợ hàng tháng đều được thực hiện tại thôn nên rất thuận lợi. Nhờ đó, những năm qua, cuộc sống của gia đình bà đã dần ổn định.

Phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ tài chính vi mô Thanh Hóa- Ảnh 2.

Từ nguồn vốn vay của Tổ chức tài chính vi mô, gia đình bà Hoàng Thị Khoa đã đầu tư mua nguyên liệu về đan lưới cung cấp cho người đi biển.

Tài chính vi mô Thanh Hóa hiện đang duy trì hoạt động với 4 chi nhánh, 11 phòng giao dịch, tại 19 huyện, thị xã trong tỉnh, địa bàn hoạt động tại 228 xã, phục vụ trên 54 nghìn khách hàng, tổng dư nợ hết năm 2023 đạt trên 487 tỷ đồng. Với dịch vụ cung cấp vốn vay nhỏ, từ 5 triệu tới cao nhất là 100 triệu đồng cho các đối tượng yếu thế như: phụ nữ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ, điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp; cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, các dịch vụ tín dụng của Tài chính vi mô Thanh Hóa đã và đang góp phần đáng kể hỗ trợ người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo có cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ tài chính vi mô Thanh Hóa- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đặt ra ngay kế hoạch từ đầu năm, tập trung nhóm phân khúc khách hàng vượt nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ, để từ đấy thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các hộ. Phương pháp tiếp cận của chúng tôi theo phương pháp truyền thống và tiếp cận đến từng hộ gia đình".

Phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ tài chính vi mô Thanh Hóa- Ảnh 4.

Ngoài cung cấp dịch vụ tín dụng, Tài chính vi mô cũng chú trọng tới dịch vụ tiết kiệm nhằm giúp nâng cao ý thức, thói quen tiết kiệm cho thành viên. Từ những khoản tiết kiệm bắt buộc trong quá trình trả nợ hàng tháng, góp gió thành bão, nhiều thành viên đã tích lũy được khoản tiết kiệm đáng kể, đồng thời, bổ sung thêm nguồn quỹ của Tổ chức Tài chính vi mô để giúp cho nhiều người có thu nhập thấp, nhất là phụ nữ khó khăn tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 5/2/2024