Phát huy hiệu quả mô hình 'Làng quê an toàn' ở bản Hang, xã Phú Lệ

Nằm phía Đông của xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, những năm trước đây, bản Hang còn tình trạng thiếu an toàn cho phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ma túy, mất an toàn giao thông…Chính vì vậy, bản Hang được Hội Liên hiệp phụ nữ Huyện Quan Hóa chọn để xây dựng mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em".

Tuy mới đi vào hoạt động nhưng mô hình"Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đến nay, mô hình đã thu hút 50 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên 1 lần/quý. Tại các buổi sinh hoạt, Ban điều hành mô hình chia sẻ các tình huống không an toàn tại cộng đồng; hướng dẫn cách chăm sóc trẻ em theo từng giai đoạn phát triển. Khi tổ chức truyền thông, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ không chỉ tập trung vào chị em phụ nữ, mà còn mời các ban, ngành, đoàn thể của thôn bản tham gia, gồm Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Ðoàn thanh niên.

Mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" được xây dựng không chỉ hướng tới mong muốn hình thành môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em mà còn nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Hội và vận động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại khu vực nông thôn, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, xâm hại tình dục, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát huy hiệu quả mô hình 'Làng quê an toàn' ở bản Hang, xã Phú Lệ - Ảnh 2.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song mô hình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các thành viên, duy trì tốt việc sinh hoạt câu lạc bộ. Các thành viên đã mạnh dạn chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình, chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em; phòng chống xâm hại, bạo lực trong gia đình, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người thân và nhân dân về các kiến thức liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nhờ vậy, trong những năm qua, bản Hang không xảy ra tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đi học, được quan tâm chăm sóc, không để xảy ra các vụ việc học sinh tụ tập đánh nhau.

Bên cạnh đó, các thành viên trong Câu lạc bộ còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn trong trồng trọt và chăn nuôi, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.  Đặc biệt mô hình đã bước đầu đã tạo được sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân. Chị em phụ nữ tích cực tham giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tiến hành trồng và chăm sóc hoa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Các tuyến đường chính, ngõ ngách, khu dân cư được lắp đặt và duy trì hệ thống đèn chiếu sáng….

Phát huy hiệu quả mô hình 'Làng quê an toàn' ở bản Hang, xã Phú Lệ - Ảnh 3.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình"Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em", Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và xã đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng việc thực hiện quy chế hoạt động, vận động người dân tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức. Các cấp Hội đã phân công cán bộ phụ trách, dự sinh hoạt định kỳ với mô hình mỗi tháng một lần nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các vụ việc mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Với những kết quả đạt được, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại Bản Hang, xã Phú Lệ bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc tại địa phương được phát hiện và giải quyết kịp thời, phát huy tối đa hiệu quả trong công tác hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục; góp phần bảo vệ quyền lợi, bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.

Nguồn: Chuyên mục Trang địa phương ngày 13.10