Phát huy truyền thống “Đất Thanh - Đất học”

Phát triển trong sự vận động, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của quê hương, đất nước, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước; thắp sáng truyền thống “Đất Thanh - Đất học”.

Những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều đề án, chính sách phát triển giáo dục; chú trọng xây dựng đội ngũ; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia... Đến nay, toàn tỉnh có trên 2000 cơ sở giáo dục, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 81,15%, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Toàn ngành hiện có trên 53.000 cán bộ, giáo viên; trong đó, trên 92,5% có trình độ đạt chuẩn. Đội ngũ nhà giáo các cấp thực sự tâm huyết, tận tụy với nghề. Không ít người đã âm thầm hy sinh, gắn bó với các bản làng xa xôi, đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc vùng cao. Nhiều nhà giáo đã trở thành tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo - trở thành những điển hình "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". 

Phát huy truyền thống “Đất Thanh - Đất học” - Ảnh 2.

Cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp được củng cố, chất lượng đội ngũ không ngừng được nâng cao... là những điều kiện quan trọng để kết quả giáo dục đại trà có bước phát triển mới. Gần 10 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 92%. Năm 2022, điểm trung bình tốt nghiệp THPT của học sinh Thanh Hoá xếp thứ 27 toàn quốc, tăng lên 5 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, đây cũng là năm Thanh Hóa dẫn đầu toàn quốc về số điểm 10. Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhiều năm liền, Thanh Hóa luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia. Năm học vừa qua, Thanh Hóa có 58 trên tổng số 76 học sinh dự thi đoạt giải, đạt tỷ lệ 76,32%, xếp thứ 6 cả nước. Từ năm 2016 đến nay, học sinh Thanh Hóa đã giành được 13 huy chương Olympic Quốc tế, 4 huy chương Olimpic Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh những nhà giáo có bề dày thành tích, nhiều nhà giáo trẻ cũng đã từng bước khẳng định phẩm chất, năng lực trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, kế tục xứng đáng các thế hệ đi trước trên hành trình "tiếp lửa" cho ước mơ, khát vọng của học sinh Thanh Hóa "bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu".

Phát huy truyền thống “Đất Thanh - Đất học” - Ảnh 3.

Thầy giáo Nguyễn Đình Thanh và em Nguyễn Đại Dương trong niềm vui ngày trở về

Thầy giáo Nguyễn Đình Thanh - Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Từ năm 2017, tôi bắt đầu về công tác tại trường Lam Sơn, năm 2019 được nhận đứng lớp chuyên và có học sinh Nguyễn Đại Dương đoạt Huy chương bạc toán quốc tế. Lần đầu tiên đứng đội tuyển, tôi đã được Ban giám hiệu, các thầy cô trong tổ Toán giúp đỡ rất nhiều".

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền giáo dục hiện đại; ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, ở tất cả các cấp học. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để các nhà trường thích ứng linh hoạt, an toàn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Cùng với việc thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh cũng được quan tâm, góp phần đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước phát triển toàn diện, yêu nước, có tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có khát vọng cống hiến cho sự phát triển, phồn vinh của quê hương, đất nước. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: "Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước". Để đạt được mục tiêu này, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; xây dựng nền giáo dục "thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt"; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của quê hương, đất nước.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 20/11