Phát huy truyền thống ngôi trường mang tên người thầy Lê Xuân Lan

16:34 - 02/12/2023

Trường Tiểu học Lê Xuân Lan, đứng chân trên địa bàn xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hoá ra đời năm 1923 với tên gọi ban đầu là trường Sơ học Pháp Việt – Tổng Ngọc Chuế. Đến tháng 8/2010, trường được mang tên danh nhân Lê Xuân Lan – Là một nhà cách mạng, một một nhà giáo mẫu mực của quê hương Hoằng Hóa. Trải qua 100 năm xây dựng và trưởng thành, mái trường đã chắp cánh tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn và ươm mầm tài năng cho nhiều thế hệ học trò nơi đây, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp trồng người và đổi mới quê hương đất nước.

Xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa thuộc tổng Ngọc Chuế xưa - vùng đất cổ văn vật ngàn năm của xứ Thanh. Năm 1919, chế độ khoa cử phong kiến chấm dứt. Năm 1920, trường sơ học Pháp Việt được ra đời trên quê hương Hoằng Hóa. Năm 1923, trường Sơ học Pháp Việt tổng Ngọc Chuế được thành lập tại thôn Kim Đính (nay thuộc xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa). Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, mở ra kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Năm 1949, địa danh Hoằng Tiến ra đời, trường Pháp Việt được đổi tên thành Trường Tiểu học Hoằng Tiến, tiếp đó đổi thành trường Phổ thông cấp I Hoằng Tiến.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, dù trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách; đối mặt với mưa bom, bão đạn; nhưng sự học trên mảnh đất Hoằng Tiến vẫn được duy trì. Học trò ngày ngày tới lớp, giáo viên cần mẫn giảng bài. Phong trào thi đua "dạy thật tốt, học thật tốt" như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được nhà trường thực hiện sôi nổi trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Phát huy truyền thống ngôi trường mang tên người thầy Lê Xuân Lan- Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Quang Bình là hậu duệ của nhà cách mạng Lê Quang Trường, nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội khóa 12 và vợ là bà Lê Thị Xuân, con gái của cố nhà giáo Lê Xuân Lan, mặc dù rời xa mái trường gần 70 năm, nhưng ông bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm từ thuở ấu thơ dưới mái trường làng.

Thiếu tướng Lê Quang Bình, Cựu học sinh trường Tiểu học Lê Xuân Lan, Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa nhớ lại những kỷ niệm thời học trò

Lê Xuân Lan là một nhà giáo, nhà cách mạng có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước; Ông sinh năm 1916, trong một gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học tại xã Hoằng Tiến. Năm 1932, ông đỗ đầu vào Trường Quốc học Huế. Với thành tích học tập xuất sắc, Lê Xuân Lan được cử sang Pháp du học, nhưng ông quyết định ở lại đất nước. Ông tham gia hoạt động cách mạng và dạy học tại Hà Tĩnh, các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Ông từng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Hoằng Hóa... Suốt cuộc đời mình, nhà cách mạng, nhà giáo Lê Xuân Lan đã hết lòng phấn đấu, hy sinh vì tổ quốc, vì nhân dân; ông vừa là tấm gương anh dũng trong các phong trào kháng chiến chống Pháp, lại vừa là nhà giáo mẫu mực trong sự nghiệp trồng người và đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với học trò. Cũng bởi tài năng, trí tuệ và đức hạnh của ông nên huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Tiến đã quyết định đổi tên trường Tiểu học Hoằng Tiến thành Trường tiểu học Lê Xuân Lan – Hoằng Tiến, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, yêu nước cho thế hệ trẻ. Năm 2010, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hoằng Tiến; trường Tiểu học Hoằng Tiến được đổi tên thành Trường Tiểu học Lê Xuân Lan - Hoằng Tiến. Đây là mốc son, đánh dấu chặng đường phát triển mới với nhiều thành tích cao của nhà trường.

Phát huy truyền thống ngôi trường mang tên người thầy Lê Xuân Lan- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn HuệÔng Nguyễn Văn Huệ, Phường Đông Sơn, Thành Phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, học trò cũ của thầy Lê Xuân Lan đánh giá về thầy Lê Xuân Lan

Ngày hôm nay, thế hệ cựu học sinh của nhà trường cùng những người con, người cháu của dòng họ Lê Xuân lại đang từng ngày tiếp bước cha ông, vun đắp cho sự nghiệp giáo dục của quê hương Hoằng Hóa, Thanh Hóa nói chung, của trường tiểu học Lê Xuân Lan – Hoằng Tiến nói riêng. Trong đó, tiêu biểu là gia đình Tiến sĩ Lê Xuân Thảo - Tiến sĩ Lê Bích Thắng.

Ông Lê Xuân Thảo là cựu học sinh của mái trường mang tên cha mình - trường tiểu học Lê Xuân Lan – Hoằng Tiến. Là một học sinh có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, sau khi du học tại Liên Xô cũ, ông trở về đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông đã cùng người vợ Lê Bích Thắng và các hậu duệ quan tâm, chăm lo vật chất, tinh thần cho nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường; trở thành những mạnh thường quân, góp phần quan trọng về tài lực, vật lực để xây dựng ngôi trường này. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ giáo viên nhà trường, từ năm 2018 đến nay nhà trường đã được đầu tư trên 26 tỷ đồng vào cơ sở vật chất; trong đó anh Thảo chị Thắng cùng anh em, con cháu trong gia đình tài trợ gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hậu duệ của nhà giáo Lê Xuân Lan cũng đã lập ra Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Xuân Lan cho nhà trường và huyện Hoằng Hóa. Hàng chục năm qua, quỹ khuyến học này đã hỗ trợ, ươm mầm ước mơ cho hàng ngàn học sinh tài năng, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vươn lên trong cuộc sống, tiếp bước con đường học tập.

Phát huy truyền thống ngôi trường mang tên người thầy Lê Xuân Lan- Ảnh 3.

Để tạo nguồn cho khuyến học, anh Thảo – Chị Thắng cũng là những doanh nhân tiên phong đầu tư và kêu gọi thu hút đầu tư vào khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, đến nay Hải Tiến đã có trên 6.700 phòng nghỉ tiêu chuẩn; trong đó hệ thống khách sạn Ánh Phương, Vườn Thảo Linh của gia đình Tiến sỹ Lê Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến. Lợi nhuận từ du lịch mang lại, anh chị lại trích ra một phần cho công tác khuyến học, khuyến tài và an sinh xã hội.

Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Con trai nhà giáo Lê Xuân Lan, Giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến, Hoằng Hóa chia sẻ

Một thế kỷ trôi qua, từ trường Sơ học Pháp Việt tổng Ngọc Chuế; đến trường cấp 1 Hoằng Tiến, rồi trường tiểu học Lê Xuân Lan – Hoằng Tiến bây giờ. Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, ngôi trường luôn phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt, trở thành một trong những điểm sáng giáo dục của huyện Hoằng Hóa.

Hiện nay, nhà trường hiện có 29 cán bộ giáo viên với 727 học sinh; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Hầu hết cán bộ giáo viên nhà trường đều tâm huyết, nỗ lực, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Hai tốt"; xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"; "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo" đã tạo ra không khí phấn khởi, thi đua sôi nổi trong toàn trường. Vì vậy chất lượng giáo dục toàn diện luôn được giữ vững; tỷ lệ học sinh giỏi tăng cao, luôn nằm trong tốp đầu của huyện Hoằng Hoá. Năm học 2022 – 2023, nhà trường đạt 65 giải trong các cuộc giao lưu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia. Trong đó có 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, Toán Timo – Giải Toán bằng Tiếng Anh; 8 giải Nhất, 17 giải Nhì, 17 giải Ba và 16 giải Khuyến khích; trong đó 5 giải cấp Tỉnh và 58 giải cấp huyện. Nhiều thế hệ học sinh nhà trường đã thi đậu vào trường chất lượng cao Nhữ Bá Sỹ, trường chuyên Lam Sơn, các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước và đã trưởng thành trên nhiều lĩnh vực; trong đó có 1 Giáo sư, 2 Phó giáo sư, 10 Tiến sĩ, các nhà khoa học cùng nhiều tướng lĩnh trong quân đội.

Phát huy truyền thống ngôi trường mang tên người thầy Lê Xuân Lan- Ảnh 4.

Với những thành tích nổi bật, trường Tiểu học Lê Xuân Lan – Hoằng Tiến đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Nhà trường liên tục được Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Khuyến học, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, danh hiệu "tập thể lao động suất sắc" thời kỳ đổi mới. Đặc biệt năm 2022, nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nhà trường

Phát huy truyền thống ngôi trường mang tên người thầy Lê Xuân Lan- Ảnh 5.

100 năm hình thành và phát triển, các thế hệ nhà giáo của Nhà trường đã miệt mài đồng hành cùng lịch sử phát triển của quê hương Hoằng Tiến, Hoằng Hóa. Để rồi, sau một thế kỷ tồn tại, ngày hôm nay, nhà trường đang tiếp tục khẳng định vị thế và diện mạo mới, để không ngừng vững bước, hướng tới tương lai; góp phần đáng kể vào sự nghiệp trồng người; vào sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, làm dầy thêm truyền thống hiếu học từ ngàn xưa của quê hương Hoằng Hóa anh hùng.

Nguồn: Chuyên mục Giáo dục Khuyến học 30/11/2023