Phát huy vai trò chính quyền cấp xã trong phát triển sản phẩm OCOP

08:18 - 07/10/2023

Để thực hiện thành công chương trình OCOP, cùng với sự chủ động của các chủ thể sản xuất, cần có sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương. Đặc biệt, từ khi tỉnh Thanh Hóa phân cấp chấm điểm sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp huyện, chính quyền cấp xã càng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các chủ thể thực hiện.

Sau 4 năm triển khai chương trình, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa đã có 5 sản phẩm đạt OCOP và là 1 trong 2 xã có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh. Có được kết quả đó, chính quyền địa phương đã thành lập tổ giúp việc OCOP đăng ký, hướng dẫn cho các chủ thể được lựa chọn xây dựng sản phẩm đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí. 

Phát huy vai trò chính quyền cấp xã trong phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Đồng thời, giao cho các các tổ chức hội tín chấp với ngân hàng cho các hộ vay vốn đầu tư trang thiết bị sản xuất để khuyến khích các hộ sản xuất tích cực tham gia chương trình.

Phát huy vai trò chính quyền cấp xã trong phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Ông Vũ Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Vũ Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Địa phương có các chủ trương, một là tuyên truyền động viên khích lệ các hộ, thứ hai tạo điều kiện về đất đai để khuyến khích các hộ phát triển sản xuất kinh doanh. Sản phẩm OCOP giải quyết được lao động tại địa phương, có những sản phẩm 1 chủ thể có tới 30 lao động".

Nếu như trước đây, phòng Nông nghiệp cấp huyện có nhiệm vụ lựa chọn, đấu mối với các đơn vị sản xuất để hướng dẫn triển khai chương trình, thì theo quy định mới về phân cấp chấm điểm OCOP, chính quyền cấp xã phải vào cuộc ngay từ đầu. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và các chủ thể sản xuất  về Chương trình OCOP; rà soát các sản phẩm tiềm năng và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia. 

Phát huy vai trò chính quyền cấp xã trong phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Các xã, phường, thị trấn cũng chủ trì tổ chức, phối hợp với cơ quan quản lý OCOP cấp huyện, tổ chức hoặc chuyên gia tư vấn OCOP để hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm đăng ký; phối hợp với cơ quan quản lý OCOP cấp huyện để hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng phương án kinh doanh; tổ chức theo dõi tiến độ, nắm bắt thông tin về quá trình triển khai của các đơn vị sản xuất.

Phát huy vai trò chính quyền cấp xã trong phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Ông Bùi Trọng Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Bùi Trọng Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để đảm bảo sản phẩm OCOP, UBND thị trấn Sao Vàng cũng đã kiểm tra, báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền kinh tế, phê duyệt để làm sao thị trấn có sản phẩm bánh gai đạt OCOP, chúng tôi tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ, hồ sơ liên quan chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ cho hộ để đạt sản phẩm OCOP".

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền cấp xã đã khuyến khích các chủ thể sản xuất tích cực tham gia chương trình, xây dựng thành công nhiều sản phẩm Ocop. 

Phát huy vai trò chính quyền cấp xã trong phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh Hóa đã có thêm 122 sản phẩm OCOP, góp phần cùng các địa phương hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 7/10