Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống

08:34 - 15/09/2023

Thanh Hóa là địa phương có đội ngũ nghệ nhân dân gian đông đảo, trong đó đã có 66 người đã được nhà nước công nhận là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân dân. Các nghệ nhân dân gian đã và đang phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong việc bảo tồn, thực hành và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.

Là người say mê với văn hóa truyền thống, trong suốt nhiều năm qua nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng ở làng Lỏ, xã Cao Ngọc đã góp phần phục dựng và phát huy giá trị văn hóa của trò diễn hội Pồn Pông dân tộc Mường. 

Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống - Ảnh 2.

Năm 2017, với những giá trị văn hóa đặc sắc, trò diễn Pồn Pông được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Giờ đây mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng vẫn luôn miệt mài trong việc truyền dạy các nghi lễ, điệu múa, bài xường... để trò diễn Pồn Pông hòa vào đời sống cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống - Ảnh 3.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng, Làng Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong xã, ngoài xã bà cũng dạy, lắm người cũng biết diễn nhưng nó nhiều trò diễn lắm, mới sưu tầm được 70-80% vì vậy bà tiếp tục dạy nữa, dạy đến khi nào hết hơi thở mới thôi".

Dù tuổi đã ngoài 70, nhưng ông Phùng Quang Du ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc vẫn luôn đau đáu với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao. Trong suốt nhiều năm qua, ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng chữ viết, các nghi lễ truyền thống của người Dao. Những việc làm của ông Phùng Quang Du đã góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Dao quần chẹt ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc nói riêng.

Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống - Ảnh 4.

Ông Phùng Quang Du, Khu Phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phùng Quang Du, Khu Phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ rằng: "Bản thân tôi đã trăn trở và đã tìm tòi cùng với các bộ xã, cán bộ huyện đã xuống Ban Dân tộc tỉnh để sưu tầm, biên soạn tập bộ chữ người Dao năm 2015, từ đó công tác bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết và các điệu múa, điệu hát được bảo tồn".

Thanh Hóa hiện có 66 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, 3 người đã được phong tặng nghệ nhân Nhân dân. Trong suốt những năm qua, ngành văn hóa thông qua các chương trình dự án bảo tồn văn hóa, đã tổ chức gặp gỡ, động viên, mời họ tham gia vào các chương trình bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư. 

Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống - Ảnh 5.

Đồng thời, qua đó cũng tạo điều kiện môi trường và động lực để họ tiếp tục đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ sự đóng góp  to lớn của nghệ nhân dân gian và người cao tuổi có uy tín trong gần 20 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành sưu tầm, khôi phục hàng trăm lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, ca dao, tục ngữ, truyện thơ của các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông…

Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống - Ảnh 6.

Ông Hoàng Bá Tường - Nguyên phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Ông Hoàng Bá Tường, Nguyên phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: "Nghệ nhân dân gian họ không phải là bác học, họ chân lắm tay bùn để nuôi sống chính họ nhưng sự ham mê lấy văn hóa cá nhân phục vụ cộng đồng. Chúng ta phải coi trọng nghệ nhân dân gian và có chế độ đãi ngộ xứng đáng".

Với khả năng nổi trội trong thực hành nghệ thuật diễn xướng và nghề truyền thống, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại các vùng miền trong tỉnh đã và đang miệt mài cống hiến, sáng tạo, truyền dạy điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống cho lớp cháu con. Từ đó góp phần để mạch nguồn văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc của xứ Thanh mãi mãi trường tồn với thời gian.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 15/9