Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP

08:45 - 08/06/2022

(TTV) - Sau 4 năm thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm OCOP; trong đó, có 58 sản phẩm của 44 hợp tác xã, chiếm gần 30%. Các hợp tác xã đã và đang ngày càng phát huy tốt vai trò là một trong những chủ thể trọng tâm tham gia chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia chương trình OCOP. Hợp tác xã đã liên kết với 200 hộ sản xuất giống lúa khang dân để làm miến theo tiêu chuẩn Vietgap; hướng dẫn các hộ sản xuất, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; đổi mới bao bì, nhãn mác , làm phong phú hình thức sản phẩm.

Năm 2020, miến gạo Thăng Long đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Trương Hữu Hoa-Giám đốc HTX DV sản xuất miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ khi sản phẩm miến gạo Thăng Long được công nhận 3 sao cấp tỉnh, mặt hàng chúng tôi có sức lan tảo lớn về thị trường. Trước đấy 1 tháng chúng tôi bán 30 tấn miến, nay thị trường đến các tỉnh miền trung, miền nam bán được trên 100 tấn 1 tháng, kế tiếp chúng tôi đưa ra một số lô, mẫu mã bao bì, đa dạng sản phẩm để nâng hạng lên 4 sao, 5 sao quốc gia”.
Ông Trương Hữu Hoa-Giám đốc HTX DV sản xuất miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ khi sản phẩm miến gạo Thăng Long được công nhận 3 sao cấp tỉnh, mặt hàng chúng tôi có sức lan toả lớn về thị trường. Trước đấy 1 tháng chúng tôi bán 30 tấn miến, nay thị trường đến các tỉnh miền trung, miền nam bán được trên 100 tấn 1 tháng, kế tiếp chúng tôi đưa ra một số lô, mẫu mã bao bì, đa dạng sản phẩm để nâng hạng lên 4 sao, 5 sao quốc gia”.

Với 4 sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh, Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, huyện Triệu Sơn đang là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP. Tham gia chương trình, Hợp tác xã đã duy trì và phát triển nghề trồng chè truyền thống, nghề nuôi ong lấy mật của địa phương, giải quyết việc làm làm cho hơn 200 lao động. Sau khi đạt chuẩn, các sản phẩm của Hợp tác xã đã được đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Xác định chương trình OCOP là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị thường… ngay từ năm đầu tiên, các hợp tác xã trên địa bàn Thanh Hóa đã tích cực tham gia. Các hợp tác xã đã huy động nguồn lực của các thành viên để phát triển sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất quy mô lớn gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhiều hợp tác xã đã đầu tư  trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thiết kế bao bì, mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP. Từ đó, số lượng sản phẩm của các hợp tác xã được công OCOP ngày càng tăng. Chương trình Ocop cũng đã thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Chỉ trong 3 năm, toàn tỉnh đã có 21 chủ thể OCOP là các hợp tác xã được thành lập mới.

Tham gia chương trình OCOP, các Hợp tác xã được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo Hương Hạnh- Xuân Sơn- Đức Anh       

Bản tin THNM 8/6