Phát huy vai trò người có uy tín trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc

20:10 - 30/05/2020

(TTV) - Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa chứa đựng một kho tàng các giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo. Đây là vốn quý, làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Để những giá trị văn hóa đặc sắc được lưu giữ, không ít những người có uy tín trong đồng bào đã ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ vốn quý ấy.

Trăn trở trước việc ngày nay bà con dân tộc Dao Thanh Hóa biết chữ Nôm Dao còn rất ít, ông Phùng Quang Du, người có uy tín ở huyện Ngọc Lặc đã dày công nghiên cứu và truyền dạy lại chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ.

Ban đầu, việc vận động bà con học chữ Nôm Dao rất khó khăn. Nhưng bằng sự kiên trì, không ngừng nỗ lực của ông Du, đến nay đã có 6 lớp học chữ Nôm Dao được mở.

Ông Phùng Quang Du - Khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa: Phố Hạ Sơn chúng tôi mở lớp Nôm Dao, số học viên tham gia ngoài 40. Cái này là phấn khởi của bản thân chúng tôi những người quản lý, xây dựng bộ chữ Nôm Dao, những người đi trước biết được tập quán của dân tộc. Khi học chữ Nôm Dao phát triển tri thức để phục vụ tập quán của dân tộc, truyền dạy cho con cháu.
Ông Phùng Quang Du - Khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa: Chúng tôi là những người quản lý, xây dựng bộ chữ Nôm Dao, những người đi trước biết được tập quán của dân tộc. Học chữ Nôm Dao phát triển tri thức để phục vụ tập quán của dân tộc, truyền dạy cho con cháu.

Sau thời gian dài bị mai một, đến năm 2001, lễ hội Cầu Yên – một lễ hội truyền thống tổ chức ngày 15 tháng Giêng hàng năm của bà con dân tộc Mường, thôn Sông Mã, xã Điền Lư, huyện Bá Thước mới được khôi phục lại. Với cương vị là Bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, ông Hà Xuân Cường đã tìm tòi, nghiên cứu những giá trị văn hóa trong lễ hội, vận động bà con khôi phục các điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống.

Ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, người có uy tín luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ họ, nhiều làng nghề, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển như làng nghề dệt thổ cẩm tại huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Quan Hóa; Lễ hội Đình Tam Thánh, lễ hội Mái đá Điều, lễ hội truyền thống Mường Đòn, lễ hội Mường Khô, lễ hội Đình Thi của người Thổ..., các giá trị âm nhạc, các trò chơi trò diễn dân gian truyền thống như hát ru, Khặp Thái, múa Khèn, bắn nỏ, tung còn, kéo co, đánh đu, đánh mảng, đẩy gậy được duy trì thường xuyên, tạo không khí vui tươi, phẩn khởi, đoàn kết trong đồng bào các dân tộc.

Tỉnh Thanh Hoá có 66 vạn người với 6 dân tộc thiểu số chủ yếu là Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, sinh sống tại 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã miền xuôi có xã miền núi. Các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và những người có uy tín bảo tồn, gìn giữ, phát huy đã giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày một phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc.

Theo Bản tin Thời sự tối 30/5