Phát triển các làng nghề gắn với xây dựng Nông thôn mới

09:34 - 19/06/2022

(TTV) - Xác định tầm quan trọng của làng nghề trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, phát huy tối đa nội lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm hỗ trợ, khuyến khích để các địa phương duy trì và phát triển các làng nghề. Đến nay, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

Được công nhận là Làng nghề truyền thống từ năm 2008, đến nay làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã thu hút 36 hộ dân tham gia, mỗi năm đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 300 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Để nâng cao giá trị sản xuất của làng nghề, xã Thiệu Trung chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Đỗ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa cho biết: để tiếp tục phát triển làng nghề quy mô lớn, địa phương tiếp tục có những chính sách kích cầu, chính sách hỗ trợ như dự án quy hoạch xử lý khu nước thải của cụm làng nghề, và đổ rải thảm nhựa hóa đường trục chính của khu vực làng nghề, lắp hệ thống đường diện cao áp để phục vụ cho việc phát triển làng nghề.
Ông Đỗ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa cho biết: để tiếp tục phát triển làng nghề quy mô lớn, địa phương tiếp tục có những chính sách kích cầu, chính sách hỗ trợ như dự án quy hoạch xử lý khu nước thải của cụm làng nghề, và đổ rải thảm nhựa hóa đường trục chính của khu vực làng nghề, lắp hệ thống đường diện cao áp để phục vụ cho việc phát triển làng nghề.

Thanh Hóa hiện có khoảng trên 160 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; trong đó có hơn 100 nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề hoạt động với các nhóm ngành nghề chính gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ;  sơ chế nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Tổng giá trị sản xuất hàng năm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 16.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/người/năm.

Với mục tiêu duy trì và bảo tồn nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Chị Lại Thị Châm, cơ sở sản xuất đồ đồng Cường Châm, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa chia sẻ “trước kia các trang mạng, trang facebook chưa phát triển mấy chúng tôi chỉ bán được hàng trực tiếp và qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân thôi. Sau khi đưa lên các trang mạng xã hội thì khu làng nghề được khách hàng biết đến nhiều hơn, mức tiêu thị của gian hàng cao hơn, sản phẩm được đưa ra ngày càng phong phú, đa dạng hơn”.

Ông Hoàng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa cho biết thêm: ngoài việc tạo mặt bằng cho các hộ phát triển, địa phương cũng kêu gọi khuyến khích các công ty bên ngoài vào đầu tư vào địa phương, tạo cơ chế thông thoáng để các công ty có điều kiện vừa vào thu gom, sơ chế, xuất khẩu để đảm bảo thu nhập cho bà con.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa cho biết thêm: ngoài việc tạo mặt bằng cho các hộ phát triển, địa phương cũng kêu gọi khuyến khích các công ty bên ngoài vào đầu tư vào địa phương, tạo cơ chế thông thoáng để các công ty có điều kiện vừa vào thu gom, sơ chế, xuất khẩu để đảm bảo thu nhập cho bà con.

Được biết, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các làng nghề, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP ở các làng nghề./.

Lan Hương – Quốc An – Xuân Tuấn/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 19.6