Phát triển các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở miền núi

08:43 - 27/03/2023

Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đã tranh thủ các chương trình, dự án của tỉnh và Trung ương, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai một số mô hình nghiên cứu và trồng dược liệu dưới tán rừng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, góp phần bảo vệ bền vững đa dạng sinh học rừng, mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân miền núi.

Lan Kim Tuyến là loại dược liệu quý có tác dụng kháng viêm, phòng ngừa và điều trị ung thư. Đây là loại dược liệu tự nhiên thuộc nhóm 1B cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển cây dược liệu gắn với phát triển du lịch, năm 2022 Công ty cổ phần Sông Mã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh nghiên cứu và trồng thử nghiệm 1,2 vạn cây giống lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao trên 1000m tại xã Trí Nang. Đến nay, cây sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt cao. Dự kiến trong 3 năm tới có thể thu hoạch với giá bán dao động từ 2-3 triệu đồng 1 kg tươi và 20-30 triệu đồng 1kg khô.

Phát triển các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở miền núi - Ảnh 2.

Anh Lê Thành Công, Phụ trách phòng Kế hoạch kĩ thuật- Quản lý bảo vệ rừn Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cho biết: "Trước khi trồng, chúng tôi đã cho nghiên cứu mẫu đất, khí hậu thấy thích hợp nên đã trồng thử làm nhiều đợt, đến nay cây sinh trưởng tốt, tỉ lệ cây sống đạt từ 70-80%". Ông Hoàng Kim Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Mã cho biết thêm: "Công ty phát triển các sản phẩm dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc linh, Lan Kim tuyến với mục đích khai thác tối đa tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch. Khi đầu tư mô hình này gắn với xây dựng quần thể du lịch tâm linh núi Pù Rinh, khi mà hình thành nên những mô hình này chính là điểm trải nghiệm cho du khách. Khi mô hình thành công, công ty tiếp tục đề xuất kết hợp với các chủ rừng mở rộng về quy mô và mô hình điểm để bà con chuyển đổi nghề nghiệp".

Phát triển các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở miền núi - Ảnh 3.

Thanh Hóa hiện có trên 641 nghìn ha đất có rừng, trong đó 393 nghìn ha rừng tự nhiên với 529 loài dược liệu bản địa. Trong 5 năm qua, khu vực miền núi Thanh Hóa đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như Lan Kim tuyến, Ba kích, Sa nhân, Bảy lá một hoa, Khôi tía…vv. Nhìn chung các loại dược liệu dưới tán rừng đều sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tương đương với sản phẩm thu hái từ tự nhiên. Tuy vậy có một thực tế là phần lớn các mô hình đang thử nghiệm quy mô nhỏ, phân tán. Sản phẩm làm ra mới tự cung tự cấp tại chỗ, chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị và chưa bán ra thị trường. Một số mô hình sau khi kết thúc nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước thì không duy trì và phát huy được, do chủ thể là hộ đồng bào dân tộc, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất.

Ông Lê Đức Thuận, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết Trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm tốt công tác giữ vững và phát triển diện tích rừng hiện có, nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã thành công, tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra sẽ kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư theo chuỗi để gắn trồng, sản xuất và chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị các loại dược liệu trồng tự nhiên.

Phát triển các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ở miền núi - Ảnh 4.

Trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gien quý, bảo vệ đa dang sinh học của rừng tự nhiên. Tuy nhiên để phát huy tối đa tiềm năng rừng, giúp người dân thoát nghèo, cần gắn việc sản xuất với xây dựng chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, để mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng được mở rộng về quy mô và phát triển bền vững.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 27.3.2023