Phát triển các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp

09:17 - 31/08/2022

Tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa có 236 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có đến hơn 60% là sản phẩm trong nông nghiệp. Chương trình OCOP đã và đang góp phần khẳng định thương hiệu, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ cho nông sản Thanh Hóa.

Trong 2 năm 2019 và 2020, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, huyện Đông Sơn có 2 sản phẩm là dưa Kim Hoàng hậu và dưa chuột baby được công nhận OCOP sao cấp tỉnh.

Phát triển các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp - Ảnh 1.

Sau khi đạt chuẩn, sản phẩm được ký kết hợp đồng bao tiêu với các cửa hàng, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Sản lượng tiêu thụ cũng tăng thêm 20% so với trước đây. Trên cơ sở đó, công ty đang có kế hoạch tăng diện tích sản xuất dưa và xây dựng thêm các loại nông sản khác đạt chuẩn OCOP trong năm 2022.

OCOP so với tiêu chuẩn Vietgap khó hơn nhiều, nhưng khi làm được thị trường tiêu thụ rất tốt, ví dụ các siêu thị lớn, có vốn liên doanh nước ngoài như lotte Đống Đa-Hà Nội. Có thêm tiêu chuẩn OCOP sẽ nâng giá trị của sản phẩm, thương hiệu, tin tưởng đối với người tiêu dùng hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thiên- Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ nông nghiệp CNC Thiên Trường 36

Thanh Hóa có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, gần 200 làng nghề truyền thống, hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp... Toàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển được 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp tỉnh và hơn 50 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp huyện, xã như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau quả an toàn… 

Phát triển các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Đây được xem là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các sản phẩm nông sản mang đặc trưng của Thanh Hóa đạt chuẩn OCOP. Theo đó, mỗi huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn những sản phẩm lợi thế nhất để tập trung chỉ đạo phát triển và hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. 

Phát triển các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp - Ảnh 4.

Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các Hợp tác xã, hộ dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và liên kết chuỗi tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Trong 2 năm xây dựng đến nay, sản phẩm dưa Aiko đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là động lực, tạo tiền đề cho HTX tiếp tục mở rộng đầu tư, thâm canh, mở rộng diện tích. Dưa hiện nay đã có thị trường, sản phẩm đầu ra đã quen với người dân. Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thiện tiêu chuẩn các loại rau đảm bảo được công nhận OCOP để tiêu thụ cho dễ.
Ông Lê Huy Chung- Giám đốc HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn CNC Chung Thủy, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Thực tế cho thấy, triển khai chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng giúp khai thác tiềm năng của mỗi địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng cao, mang tính đặc trưng. Từ đó, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm nông nghiệp của Thanh Hóa.

Phát triển các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp - Ảnh 6.


Nguồn: Bản tin THNM 31/8/2022