Phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững

07:45 - 14/08/2022

(TTV) - Bò thịt chất lượng cao là 1 trong 5 đối tượng con nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, những năm qua, các địa phương có tiềm năng, điều kiện phát triển đàn bò thịt đã tập huấn, hướng dẫn các hộ ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong tuyển chọn, lai tạo đàn bò giống chất lượng cao. Qua đó góp phần nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị thu nhập cao.

Phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Năm 2014, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa du nhập giống bò Blanc-Blue-Belgium (hay còn gọi là bò 3B) là giống bò thịt của Bỉ. Theo đó, các hộ dân trong xã lựa chọn bò cái nền lai Zebu trên 75% máu ngoại, trọng lượng từ gần 300 kg trở xuống để phối tinh bò thịt 3B thuần, tạo con lai F1. Đến nay, tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai F1 thích nghi với môi trường, dễ nuôi, tạp ăn, sức đề kháng tốt, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 25 đến 30 kg/tháng. Giai đoạn trưởng thành, trọng lượng mỗi con đạt từ 600 đến 700 kg, với tỷ lệ thịt xẻ đạt trên 66%, cao gần gấp đôi so với bò vàng địa phương.

Gia đình ông trước nuôi bò vàng kinh tế không bằng bò 3B. Nuôi bò 3B kinh tế phát triển tốt hơn, đầu ra tốt hơn con bò vàng, tăng hơn từ 10 đến 20%

Ông Nguyễn Viết Sáu, Xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Đến nay, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 270 nghìn con, trong đó đàn bò lai, bò thịt chất lượng cao đạt trên 170 nghìn con. Đặc biệt, nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật trong tuyển chọn, lai tạo đàn bò giống chất lượng cao, hầu hết các con lai F1 sau khi sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn gấp nhiều lần so với giống bò vàng địa phương. Ngoài du nhập, lai tạo giống bò lai có năng suất, chất lượng cao, các địa phương đã khuyến khích người dân đầu tư xây dựng chuồng trại, đảm bảo môi trường, phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn bò lai, bò thịt chất lượng cao ít dịch bệnh, năng suất tăng từ 30 đến 35% so với giống bò vàng bản địa.

Chủ yếu chọn con giống bò mẹ sinh sản giống Laisind, con giống đực trước giờ cũng là con giống Laisind, nhưng giờ phát triển hơn là con mẹ laisind Công nghệ giờ phát triển tân tiến, giờ người ta phối con bò 3 B thì hiệu quả kinh tế nó cao. Toàn dân người ta tập trung phối con giống để bán đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Đỗ Trung Thành, Thôn Trung Chính, xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa
Tiến tới chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho người dân thông qua các cơ chế chính sách về đất đai dần dần chuyển theo hướng chăn nuôi tập trung, xóa bỏ dần chăn nuôi nông hộ, nhất khoát phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Ngô Xuân Thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững - Ảnh 5.

Để chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững, ngoài việc tiếp tục tập huấn, hướng dẫn các hộ dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong việc lai tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò, các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn thô, xanh; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, nâng cao chất lượng thức ăn. Đồng thời, các hộ thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa dịch bệnh./.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 14/8/2022