Phát triển chăn nuôi – hướng giảm nghèo ở huyện Quan Hóa

10:58 - 16/01/2024

Là huyện miền núi, ngoài phát triển lâm nghiệp, những năm qua, huyện Quan Hóa cũng xác định chăn nuôi là một trong những lợi thế của địa phương. Ngành chăn nuôi giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, được xem là hướng đi phù hợp, giúp nhiều hộ dân ở Quan Hóa thoát nghèo.

Gia đình ông Len Văn Ơn, ở bản Lếp, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa là một trong những hộ thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi lợn thịt. Trước đây, cũng như nhiều hộ dân trong bản, gia đình ông Ơn chọn hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ đủ phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình. Tuy nhiên, từ nghề xay xát, cùng với nguồn phụ phẩm trong trồng trọt sẵn có, ông Ơn bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô chuồng trại. 

Phát triển chăn nuôi – hướng giảm nghèo ở huyện Quan Hóa- Ảnh 1.

Với kinh nghiệm tích lũy được, ông Len Văn Ơn đã quyết định nâng tổng đàn. Đến thời điểm này, mỗi lứa lợn gia đình ông Ơn duy trì từ 50 đến 70 con. Mỗi năm xuất bán 4 lứa, trừ chi phí, bình quân thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Ông Len Văn Ơn, bản Lếp, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Tôi cũng tự tìm tòi, học hỏi, tham khảo các mô hình làm như thế nào. Sau này được cán bộ trạm thu y tập huấn, tôi có nhiều thành công hơn".

Phát triển chăn nuôi – hướng giảm nghèo ở huyện Quan Hóa- Ảnh 2.

Địa hình đồi núi, sông suối ở Quan Hóa thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình chăn nuôi, từ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đến thủy sản. Bởi vậy, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa luôn chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu đàn vật vật nuôi; chuyển từ chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang phương thức gia trại và trang trại tập trung; từng bước phát triển các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định nguồn thu nhập. Nhờ vậy, ngày càng có thêm nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hàng năm, số lượng các gia đình đăng ký chăn nuôi theo hình thức gia trại ngày càng tăng lên. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Quan Hóa đạt trên 196.000 con. Trong đó, đàn trâu 7.698 con; đàn bò 17.214 con, đàn lợn 10.897 con; đàn dê 2.870 con; đàn gia cầm 159.820 con.

Phát triển chăn nuôi – hướng giảm nghèo ở huyện Quan Hóa- Ảnh 3.

Trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi những năm tiếp theo, huyện Quan Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dần thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân. 

Phát triển chăn nuôi – hướng giảm nghèo ở huyện Quan Hóa- Ảnh 4.

Ông Hà Hải Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa

Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, tập trung vào các giống vật nuôi đặc sản bản địa như lợn mán, vịt suối... tạo động lực cho nhiều hộ dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ông Hà Hải Hiệp, Phó Chủ tịch UBND  xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền, chỉ đạo cho bà con Nhân dân chăn nuôi gia trại. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, chúng tôi rất coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh".

Với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, huyện Quan Hóa đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Nguồn: Tạp chí dân tộc miền núi/ TTV