Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số

18:30 - 05/08/2023

Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên và nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.

Hiện nay, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt quá trình chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có mạng LAN, kết nối Internet thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tiếp tục được đầu tư đảm bảo duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm dùng chung cho các cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước. Hệ thống hội nghị truyền hình được vận hành ổn định, hiệu quả.

Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số - Ảnh 2.

 Ông Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng số đảm bảo nhất, cùng với các nhà mạng đưa các nền tảng số vào vận hành một cách trơn tru nhất".

Thanh Hóa hiện đã có hơn 4.300 thôn, bản được phủ sóng di động 4G và mạng Internet cáp quang. Các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet băng rộng chất lượng cao tới 99,7% dân cư của tỉnh. Toàn tỉnh đã có trên 9.300 trạm BTS; 8 trạm BTS phát sóng biển đảo phục vụ thông tin liên lạc cho các tàu cá; 14 trạm chuyển mạch cố định và trên 1.800 thiết bị truy nhập Internet cáp quang. 

Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số - Ảnh 3.

Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh Thanh Hóa đang cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 10 dịch vụ kết nối với Trung ương; trục kết nối nội tỉnh đang được duy trì, hoạt động thường xuyên, ổn định. Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đang cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến một phần và 727 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 98 %. Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống một cửa điện tử của hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nguồn: Bản tin 18h30/TTV